Đề xuất lập thêm cơ quan thanh tra ở các Cục, Tổng cục

26/05/2022 10:08 GMT+7

Thanh tra Chính phủ vừa đề nghị cho thành lập thêm cơ quan thanh tra ở các Cục, Tổng cục thuộc bộ và khẳng định việc lập thêm cơ quan thanh tra này không gây chồng chéo, không phát sinh biên chế.

Không chồng chéo, không phát sinh biên chế

Sáng 26.5, tiếp tục kỳ họp thứ 3 Quốc hội XV, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án luật Thanh tra sửa đổi.

Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày tờ trình tại Quốc hội

gia hân

Một điểm mới trong dự án luật lần này là đề xuất thành lập thêm thanh tra Tổng cục, Cục bên cạnh thanh tra bộ và thanh tra sở trong tổ chức thanh tra ngành, lĩnh vực.

Ông Phong lý giải, nhiều bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực có những Tổng cục, Cục có chức năng quản lý nhà nước và nhu cầu thanh tra lớn nhưng do luật không cho phép thành lập tổ chức thanh tra nên đã tổ chức thành các đơn vị tham mưu về công tác thanh tra. Do không có đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra nên hoạt động gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Tổng thanh tra Chính phủ cũng cho hay, để việc thành lập các cơ quan thanh tra này bảo đảm nguyên tắc không “dàn đều”, không phải tất cả các Tổng cục, Cục thuộc Bộ đều thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành, dự thảo luật quy định "Thanh tra Tổng cục, Cục được thành lập theo yêu cầu quản lý, trong những lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành có quy định hoặc theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên".

Theo ông Phong, nhiều Tổng cục, Cục cùng với các cơ quan nhà nước khác trước đây được giao chức năng thanh tra chuyên ngành nhưng không cần thiết phải có tổ chức thanh tra bởi vì hoạt động thanh tra chuyên ngành của các cơ quan này (được gọi là “thanh tra thường xuyên”) thực chất chỉ là kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý vi phạm để bảo đảm trật tự quản lý. Hoạt động sẽ vẫn được các cơ quan nói trên thực hiện mà không cần thiết phải giao thêm chức năng thanh tra chuyên ngành.

Ông Phong cũng nhấn mạnh, việc thành lập cơ quan thanh tra này về cơ bản không làm phát sinh về tổ chức, biên chế; không làm phát sinh chi phí, nguồn lực khi triển khai thực hiện quy định này vì trên thực tế, một số đơn vị đó vẫn có tổ chức và đội ngũ công chức làm thanh tra chuyên trách nhưng do luật Thanh tra 2010 quy định không tổ chức thanh tra độc lập.

Ông Phong cũng khẳng định, việc có thêm thanh tra như đề xuất không gây nguy cơ chồng chéo giữa thanh tra Bộ và thanh tra Cục, Tổng cục.

Thẩm tra vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho hay, Ủy ban cơ bản tán thành song đề nghị nghiên cứu bổ sung, quy định rõ trong luật các tiêu chí, điều kiện thành lập cơ quan thanh tra tại cục, tổng cục thuộc bộ. Đồng thời có cơ chế tránh chồng chéo trong nhiệm vụ giữa thanh tra Bộ và thanh tra Cục, Tổng cục sau khi thành lập.

Nên bỏ thanh tra cấp huyện?

Một vấn đề khác, Chính phủ dự kiến giữ nguyên quy định hiện hành, gồm: Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh và thanh tra huyện dù trước đó có đề xuất bỏ thanh tra huyện.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thẩm tra dự luật Thanh tra sửa đổi

gia hân

Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho hay, khi đề xuất chính sách xây dựng dự án luật Thanh tra sửa đổi, cơ quan chủ trì đã đề xuất không tổ chức thanh tra huyện. Tuy nhiên, sau đó, nhiều ý kiến cho rằng, huyện là một cấp chính quyền quan trọng, cơ quan thanh tra hiện nay không chỉ thực hiện chức năng thanh tra mà còn có trách nhiệm giúp UBND thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Mặt khác, nếu không tổ chức thanh tra huyện thì thanh tra tỉnh cũng phải tăng thêm biên chế và tổ chức thêm các phòng chuyên môn phụ trách thanh tra địa bàn các huyện khi có yêu cầu, nên thực tế việc tinh giản bộ máy cũng không đáng kể.

Do đó, dự thảo luật đã tiếp thu các ý kiến và giữ nguyên quy định về thanh tra huyện trong dự thảo luật Thanh tra (sửa đổi).

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết vẫn còn ý kiến khác nhau. Có ý kiến đề nghị tiếp tục duy trì mô hình này nhưng cũng có ý kiến cho rằng không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện. Ông Tùng thông toin các ý kiến đề nghị bỏ thanh tra cấp huyện cho rằng, ngay báo cáo tổng kết thi hành luật Thanh tra đã chỉ rõ, ở cấp huyện không có nhiều nhu cầu thanh tra; biên chế rất ít nên không phát huy được hiệu quả...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.