Đề xuất luật hóa thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội, TP.HCM

21/05/2024 11:25 GMT+7

Theo đại biểu Nguyễn Phương Thủy, một số thành phố như Hà Nội, TP.HCM đã tiến hành xây dựng các đề án về thu phí ô tô vào nội đô hay phí kẹt xe. Tuy nhiên, do cơ sở pháp lý chưa rõ ràng, ổn định nên việc triển khai áp dụng còn khá dè dặt.

Sáng 21.5, thảo luận về dự luật Đường bộ, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về quy định liên quan tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị so với đất đô thị xây dựng.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội)

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội)

GIA HÂN

Dự thảo luật quy định, tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị so với đất xây dựng đô thị, nhưng không bao gồm phần công trình đường bộ đi ngầm dưới mặt đất, xây dựng trên sông, hồ, phải bảo đảm quy định.

Theo đó, đô thị loại đặc biệt từ 18% - 26%; đô thị loại 1 từ 16 % - 24%; đô thị loại 2 từ 15% - 22%; đô thị loại 3 từ 13% - 19%; đô thị loại 4 từ 12% - 17%; đô thị loại 5 từ 11% - 16%. Dự luật cũng quy định đô thị có yếu tố đặc thù thì tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ so với đất xây dựng đô thị quy định đô thị có đường biên giới quốc gia, đô thị ở hải đảo, thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...

Theo bà Thủy, việc quy định như dự luật quá chi tiết và có một số nội dung chưa phù hợp với thực tế của nhiều địa phương trong giai đoạn hiện nay cũng như có các nội dung không phù hợp với phát triển đô thị trong tương lai...

Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ: Đề xuất luật hóa thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội, TP.HCM

Thực tế ở Hà Nội hay TP.HCM hiện nay, tỷ lệ đất dành cho kết cấu giao thông mới chỉ đạt 13 - 15%. "Nếu quy định cứng tỷ lệ đất dành cho giao thông, áp dụng ngay cho các đô thị bao gồm cả đô thị hiện hữu và hình thành mới mà không kèm theo các chế tài, biện pháp bảo đảm thực hiện sẽ không khả thi trong điều kiện hiện nay", bà Thủy băn khoăn.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, điều kiện đất đô thị ngày càng có giá, chi phí phát triển giao thông đô thị ngày càng đắt đỏ, ví như Hà Nội đang dự kiến mở rộng đoạn đường Láng từ Ngã Tư Sở - Cầu Giấy với tính toán ban đầu là 5.500 tỉ đồng/km. Chưa kể các khó khăn trong thu hồi đất, lập dự án phát triển đường giao thông hiện nay thì các đô thị không thể phát triển theo hướng xây mới, mở rộng đường giao thông trong nội đô, nội thị. 

Thay vào quy định tỷ lệ cứng, cần chú trọng hơn các giải pháp về tổ chức giao thông hiệu quả, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phát triển giao thông đa tầng, giao thông công cộng khối lượng lớn.

Bà Thủy nêu thực tế, hiện có khoảng 10 địa phương có dự kiến quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị bao gồm cả tàu điện ngầm, trên cao. Khi giao thông công cộng, đường sắt hoạt động đồng bộ thì diện tích đất dành cho giao thông ở các đô thị không cần giữ ở mức cao như hiện nay mà có thể sử dụng ở các mục đích khác cần thiết, có hiệu quả hơn.

"Luật không nên quy định quá chi tiết về tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị cho từng loại đô thị. Chỉ cần ghi là phù hợp với tiêu chuẩn, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, kiến trúc cảnh quan của đô thị tương ứng để đảm bảo tính ổn định, lâu dài của luật. Trường hợp giữ các quy định cụ thể về tỷ lệ này thì cần rà soát kỹ các quy định để đảm bảo thống nhất tiêu chuẩn phân loại đô thị, áp dụng với các đô thị đặc thù....

Đặc biệt, đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị cân nhắc phí giao thông nội đô, áp dụng với ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong những khung thời gian nhất định. Việc này một mặt sẽ hạn chế sự phát triển quá mức của phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị. 

Mặt khác bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước để tăng cường hỗ trợ phát triển kết cấu, hạ tầng giao thông đường bộ và hệ thống giao thông công cộng trong các đô thị.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định)

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định)

GIA HÂN

"Hiện tại cả 5 thành phố trực thuộc T.Ư đều đã được phép quy định các loại phí chưa được quy định trong luật. Một số thành phố như Hà Nội, TP.HCM đã tiến hành xây dựng các đề án về phí nội đô hay phí kẹt xe. Tuy nhiên, do cơ sở pháp lý chưa rõ ràng, ổn định nên việc triển khai áp dụng còn khá dè dặt", bà Thủy nêu.

Do đó, nếu như luật Đường bộ và luật Phí, lệ phí có quy định chính thức loại phí này, đồng thời, giao HĐND cấp tỉnh quy định về phạm vi, địa bàn, đối tượng, mức áp dụng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho việc triển khai tại các địa phương, góp phần giải quyết vấn đề bức xúc tại các thành phố lớn.

Đề xuất bổ sung "đường tốc độ cao"

Nêu ý kiến về khái niệm đường cao tốc trong luật, theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định), đường tốc độ cao khác với đường cao tốc vì có thể không có dải phân cách, không có đường lánh nạn, tổ chức giao thông giống như đường quốc lộ. Đường tốc độ cao cũng khác với đường quốc lộ là không có dân cư hai bên. 

Do đó, ông đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung thêm "đường tốc độ cao" để bao quát hết các loại đường và tổ chức giao thông cho phù hợp đối với đường cao tốc, đường tốc độ cao và đường quốc lộ.

Xem nhanh 12h ngày 21.5: Quốc hội bầu Chủ tịch nước vào chiều nay

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.