Đề xuất lùi kỳ thi THPT quốc gia sang tháng 8

12/03/2020 07:21 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng việc Bộ GD-ĐT tiếp tục điều chỉnh thời gian năm học và lùi thi THPT quốc gia là cần thiết vì thời điểm này, có thể nói việc nghỉ học hết tháng 3 khó tránh khỏi.

Bộ cần định hướng lại về nội dung đề thi

Diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 khiến hầu hết các địa phương (trừ Vĩnh Phúc) đến thời điểm này vẫn phải tiếp tục cho học sinh (HS) từ mầm non đến THCS nghỉ học, chưa có công bố khả thi về ngày trở lại trường. Một số tỉnh như Đồng Nai đã quyết định cho HS tạm nghỉ đến ngày 4.4. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng cùng nhiều tỉnh, thành khác vẫn buộc phải cho toàn bộ HS, trong đó có HS cấp THPT, nghỉ học.
Do vậy, việc ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, nói nếu việc nghỉ học tiếp tục kéo dài đến tháng 4, Bộ GD-ĐT sẽ phải tính toán tiếp tục kéo dài thời gian năm học, trong đó điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học và lịch thi THPT quốc gia 2020, được dư luận rất đồng tình.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), ủng hộ việc lùi thời gian kết thúc năm học và thi THPT quốc gia. “Điều đó có nghĩa là HS sẽ phải học vào giữa hè rất nắng nóng, nhưng quả thực nếu đi học vào thời điểm này với hàng nghìn HS mỗi trường thì cả nhà trường và phụ huynh đều không thể yên tâm”, bà Quỳnh nói.
“Nếu không công bố đề minh họa thì Bộ cần có định hướng lại về nội dung đề thi, không nên quá dàn trải, vì năm nay tình hình khác hẳn các năm trước. Các con không học trên lớp cũng không thể học thêm ở đâu ngoài một số giờ học trực tuyến, học trên truyền hình”, bà Quỳnh nêu quan điểm.
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), cho biết nghỉ học hết tháng 3 nếu không thay đổi tiếp kế hoạch thời gian năm học và lịch thi sẽ rất căng cho các nhà trường. Khi HS trở lại trường vào tháng 4 thì sẽ không thể nói là học tiếp tục một cách tịnh tiến, mà sẽ phải xây dựng một kế hoạch dạy bù, dạy học vào cả ngày nghỉ… thì mới kịp chương trình.

Nếu không điều chỉnh, học sinh phải học nhồi nhét

Theo bà Nguyễn Thị Nhiếp, việc cắt xén chương trình là không thể đặt ra, nhất là nội dung đề thi THPT quốc gia bao phủ hết toàn bộ chương trình thì việc vừa học vừa ôn thi sẽ rất vất vả.
Bà Nhiếp cũng cho rằng Bộ cho phép các trường xây dựng kế hoạch dạy học của từng trường một cách phù hợp với điều kiện thực tế chứ không nhất thiết một bài học trong chương trình, cả nước phải dạy đủ bao nhiêu tiết. Ví dụ, một nội dung kiến thức chương trình xây dựng tối đa là 20 tiết thì các nhà trường có thể chỉ xây dựng trong 15 tiết mà vẫn đảm bảo HS đạt được chuẩn kiến thức, kỹ năng.
“Tuy nhiên, để làm được việc đó thì còn phụ thuộc vào năng lực của người dạy và năng lực tiếp thu của người học, nên không thể áp dụng cho tất cả giáo viên và HS được, vì học dồn dập quá, HS sẽ quá tải và không thể thu nạp kiến thức”, bà Nhiếp nêu thực tế.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Q.Tây Hồ, Hà Nội), cho rằng nếu tính toán một cách cơ học thì nghỉ bao nhiêu sẽ phải kéo dài thời gian kết thúc năm học bấy nhiêu. Nếu không, sau khi HS trở lại trường, có thể tăng ca, tăng buổi (không nghỉ cuối tuần)... để dạy bù.
Tuy nhiên, trong giáo dục thì việc đó là phản khoa học. “Nếu bắt HS học dồn ép, nhồi nhét quá thì sẽ chỉ dạy cho đủ, cho hết chương trình chứ không có hiệu quả thực sự”, ông Hà nói, và bày tỏ việc kéo dài thêm thời gian để giảm căng thẳng cho các nhà trường là cần thiết, nếu việc nghỉ học còn buộc phải tiếp diễn. Bên cạnh đó, các trường cần xây dựng những chủ đề dạy học để tích hợp nội dung kiến thức liên quan ở các môn, vừa giúp tiết kiệm thời gian, HS lại dễ hiểu, dễ vận dụng kiến thức hơn.
Nếu đi học lại trong tháng 3, vẫn thực hiện đủ chương trình hiện hành
Theo quyết định điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học mà Bộ GD-ĐT ban hành cuối tháng 2, thời gian kết thúc năm học được lùi 1 tháng là đến 30.6; thời gian tổ chức thi THPT quốc gia 2020 trong các ngày 23 - 26.7, thay vì cuối tháng 6 như dự kiến. Với thời gian điều chỉnh như trên, Bộ GD-ĐT khẳng định các địa phương cho HS quay lại trường học bất kỳ thời điểm nào trong tháng 3 đều có thể đảm bảo thực hiện đủ chương trình giáo dục hiện hành.

Ưu tiên việc dạy học theo đúng chương trình

Ông Nguyễn Xuân Thành nêu tình huống trong trường hợp HS phải nghỉ kéo dài thêm hết tháng 3, các mốc thời gian năm học mới được điều chỉnh vẫn có thể giữ được, nhưng yêu cầu các trường phải rất chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của mình. Mỗi trường sẽ phải tính toán để tiết kiệm thời gian, ưu tiên thời gian dành cho việc dạy học theo đúng chương trình, giảm bớt thời gian cho các sự vụ trong nhà trường.
Cụ thể, theo ông Thành, cần tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành...
Tuy nhiên, trong trường hợp bất khả kháng, việc nghỉ học phải kéo dài hơn, theo ông Thành, Bộ GD-ĐT cũng đã tính đến phương án tiếp tục điều chỉnh thời gian năm học cho phù hợp với tình hình thực tế, trong đó có thời điểm kết thúc năm học và thi THPT quốc gia.
Ý kiến
Đề thi THPT quốc gia nên giảm số lượng câu hỏi vận dụng
Kỳ thi THPT quốc gia nên dời tương ứng qua tháng 8, đi kèm giảm tải kiến thức trong học kỳ 2. Sau khi gián đoạn việc học tập, học kỳ 2 nên tập trung vào các chủ điểm quan trọng của chương trình thay vì dàn trải. Đề thi THPT quốc gia tăng số lượng câu hỏi nhận biết, giảm số lượng câu hỏi vận dụng bởi trong thời gian ngắn, việc rèn kỹ năng cho học sinh là vấn đề nan giải.
Nguyễn Viết Đăng Du
(Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn - Q.3, TP.HCM)
Bộ cần công bố sớm định hướng trọng tâm, cấu trúc đề thi
Nếu kỳ thi THPT quốc gia vẫn giữ nguyên thời gian cuối tháng 7 như đã điều chỉnh trước đây thì thời gian ôn tập của HS sẽ bị ảnh hưởng nếu HS nghỉ học đến hết tháng 3. Chắc chắn công tác chuẩn bị cho HS tham gia kỳ thi sẽ có những khó khăn.
Vì vậy, nếu thời gian thi tiếp tục thay đổi tương ứng thì không ảnh hưởng, còn nếu giữ nguyên thì Bộ cần có hướng dẫn cụ thể về công tác thi. Bộ cần công bố sớm định hướng trọng tâm, cấu trúc đề thi, từ đó nhà trường cũng như giáo viên sẽ có hình thức tổ chức giảng dạy phù hợp. Kiến thức nào không thi, giáo viên sẽ có hình thức giảng dạy phù hợp như giới thiệu kiến thức cơ bản, giao dự án, giao bài tập nghiên cứu… Thời gian còn lại sẽ dành cho việc đảm bảo kiến thức của kỳ thi.
Phạm Phương Bình
(Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân - Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Bích Thanh(ghi)
Tư vấn truyền hình trực tuyến Tư vấn chọn ngành học khoa học xã hội và nhân văn
Vào lúc 14 giờ 30 ngày 12.3, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến truyền hình về chủ đề “Chọn ngành học tương lai khối ngành khoa học xã hội và nhân văn”. Chương trình được phát sóng các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.
Trong chương trình tư vấn này, chuyên gia tuyển sinh đến từ các trường sẽ thông tin chi tiết về ngành nghề đào tạo, cách thức tuyển sinh và cơ hội việc làm khi ra trường. Đặc biệt, thí sinh có băn khoăn trong chọn lựa theo học các ngành nghề này sẽ được chuyên gia giải đáp cặn kẽ.
Chuyên gia tham dự đến từ các trường: ĐH Mở TP.HCM, ĐH Duy Tân, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Quốc tế Sài Gòn. 
Bảo Hân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.