Đề xuất miễn học phí từ mầm non đến đại học cho con nhà giáo

08/10/2024 14:46 GMT+7

Ngoài xếp lương nhà giáo cao nhất, giáo viên mầm non nghỉ hưu sớm 5 năm, dự thảo luật Nhà giáo đề xuất miễn học phí từ mầm non đến đại học cho con nhà giáo.

Sáng 8.10, tiếp tục phiên họp 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 với dự án luật Nhà giáo dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 8 sắp tới.

Ngân sách phát sinh hơn 20.000 tỉ mỗi năm

Đề xuất miễn học phí từ mầm non đến đại học cho con nhà giáo- Ảnh 1.

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

ẢNH: GIA HÂN

Báo cáo về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thẩm tra sơ bộ của các ủy ban Quốc hội với dự án luật Nhà giáo, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, về chính sách đối với nhà giáo, dự thảo luật đã rà soát kỹ lưỡng để vừa đảm bảo có đột phá, vừa phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương thời gian tới.

Đồng thời, với những chính sách còn nhiều ý kiến khác nhau như tổ chức xã hội nghề nghiệp của nhà giáo, người đứng đầu các cơ sở giáo dục… đã được đưa ra khỏi dự thảo.

Báo cáo của Chính phủ gửi tới phiên họp với các chính sách về tiền lương, phụ cấp cũng như chính sách hỗ trợ cho nhà giáo được đề xuất trong dự thảo sẽ làm tăng chi phí ngân sách.

Theo đề xuất phương án quy định chi tiết tại dự thảo nghị định thì bảng lương của giáo viên mầm non, phổ thông công lập có sự điều chỉnh để phù hợp với tính chất, mức độ phức tạp của công việc đối với nhà giáo ở các cấp học. Đồng thời phụ cấp ưu đãi của nhà giáo dự kiến điều chỉnh đối với cấp mầm non (tăng thêm 10%) và tiểu học (tăng thêm 5%).

Nếu chính sách này được thông qua, chi phí tăng thêm để chi trả tiền lương cho nhà giáo sẽ khoảng 1.068 tỉ đồng/tháng, hàng năm ngân sách phải bổ sung 12.816 tỉ đồng.

Ngoài ra, với quy định nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, báo cáo của Chính phủ cho hay, chi phí phát sinh tăng thêm để chi trả tiền lương cho nhà giáo sẽ khoảng 22 tỉ đồng/tháng, tức là hàng năm ngân sách phải bổ sung 264 tỉ đồng.

Với chính sách miễn học phí cho con của nhà giáo từ mầm non đến đại học, căn cứ độ tuổi của nhà giáo và dự tính độ tuổi của con, Chính phủ cho biết, hàng năm ngân sách nhà nước phải cấp chi trả thêm 9.212,1 tỉ đồng.

Nguồn này ở đâu, lấy từ chỗ nào?
Đề xuất miễn học phí từ mầm non đến đại học cho con nhà giáo- Ảnh 2.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu ý kiến tại phiên họp
ẢNH: GIA HÂN

Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo từ mầm non đến đại học là nhân văn, song cho rằng, chính sách này chỉ có thể áp dụng tại các trường công lập chứ trường ngoài công lập thì không thể áp dụng được. Ngay cả trong trường công lập thì cũng "nhạy cảm".

"Chế độ đặc thù thì được, nhưng đặc quyền, đặc lợi thì không nên", ông Định nêu quan điểm.

Tương tự, với đề xuất cho giáo viên mầm non nghỉ hưu trước 5 năm và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi, ông Định lo ngại sẽ chồng chéo, mâu thuẫn với bộ luật Lao động và luật Bảo hiểm xã hội vừa được Quốc hội thông qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ nhà giáo là một trong những nội dung đột phá, đảm bảo thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo và cơ bản đồng tình. Tuy nhiên, ông đề nghị tờ trình của Chính phủ cần lý giải đầy đủ hơn, lập luận cho thuyết phục.

Theo ông Tùng, dự thảo luật đang đề xuất giữ lại rất nhiều khoản phụ cấp, trong khi Nghị quyết số 27 của T.Ư về cải cách chính sách tiền lương yêu cầu rà soát, sắp xếp chế độ phụ cấp.

"Cần phân tích, lý giải hết sức đầy đủ để nghiên cứu, xem nên giữ cái gì, không giữ cái gì trong bối cảnh cải cách tiền lương thời gian tới, qua đó thuyết phục Quốc hội và báo cáo cơ quan có thẩm quyền", ông Tùng nêu. Tương tự, về vấn đề nghỉ hưu trước tuổi của giáo viên mầm non và vẫn giữ tỷ lệ lương hưu, cần có nghiên cứu, lý giải thuyết phục.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng, việc miễn học phí cho con nhà giáo đang trong thời gian công tác chỉ áp dụng được trong các trường công lập, rất khó áp dụng với cơ sở tư thục. Do đó, ông đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ. Đồng thời cần làm rõ các điều kiện đảm bảo cho các chính sách tiền lương, phụ cấp và chính sách hỗ trợ với nhà giáo.

Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng, theo báo cáo của Chính phủ thì chỉ riêng chính sách miễn học phí cho con nhà giáo mỗi năm cần 9.200 tỉ đồng. "Nguồn này ở đâu, lấy từ chỗ nào để chúng ta bố trí chi hàng năm. Phải đánh giá kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tính khả thi, đảm bảo tính công bằng trong mối tương quan với các đối tượng ưu tiên khác", Chủ tịch Quốc hội nêu.

Nhấn mạnh đây là dự luật khó, phạm vi tác động lớn, nhiều nội dung phức tạp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan thận trọng, kỹ lưỡng, Chính phủ, Bộ GD-ĐT và các bộ ngành phải hết sức quan tâm.

"Nếu hồ sơ dự án luật đảm bảo yêu cầu thì có thể thông qua theo quy trình 2 kỳ họp, tại kỳ họp thứ 8 và kỳ họp thứ 9. Nếu sự đồng thuận của Quốc hội chưa cao, còn nhiều ý kiến thì có thể 3 kỳ họp. Bởi vì từ hồi nào tới giờ, chưa có luật này thì hoạt động nhà giáo vẫn diễn ra bình thường. Do đó, chúng ta làm luật này thì phải làm sao đảm bảo tuổi thọ cao cho luật", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chính sách tiền lương, phụ cấp; chính sách hỗ trợ với nhà giáo tại dự thảo luật Nhà giáo

Điều 25. Tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo

1. Tiền lương nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập như sau:

a) Lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp;

b) Phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật;

c) Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác;

d) Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

2. Tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo ở cơ sở giáo dục ngoài công lập của nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng chức danh quy định tại do cơ sở giáo dục quyết định bảo đảm không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương khoản 1 Điều này trừ khi có thỏa thuận khác.

3. Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù theo quy định và chỉ được hưởng ở một mức cao nhất nếu chính sách đó trùng với chính sách dành cho nhà giáo.

4. Chính phủ quy định chi tiết tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo.

Điều 26. Chính sách hỗ trợ nhà giáo

1. Chính sách hỗ trợ nhà giáo bao gồm:

a) Chế độ trợ cấp theo tính chất công việc, theo vùng;

b) Chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng;

c) Chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp;

d) Miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác;

đ) Phụ cấp lưu động đối với nhà giáo làm công tác xóa mù chữ hoặc phổ cập giáo dục hoặc biệt phái hoặc dạy tăng cường hoặc dạy liên trường hoặc phải di chuyển để dạy ở các điểm trường tại các thôn, bản, phum, sóc;

e) Các chính sách hỗ trợ khác cho nhà giáo.

2. Ngoài chính sách chung quy định tại khoản 1 điều này, nhà giáo công tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, nhà giáo dạy giáo dục hòa nhập; nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật còn được hưởng một số chính sách hỗ trợ trong số các chính sách sau:

a) Bảo đảm chỗ ở tập thể hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của luật Nhà ở và các điều kiện thiết yếu khi đến công tác tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

b) Thanh toán tiền tàu xe trong thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi nghỉ hằng năm, nghỉ ngày lễ, tết, nghỉ việc riêng về thăm gia đình theo quy định;

c) Chế độ phụ cấp, trợ cấp tùy theo đối tượng.

3. Ngoài các chính sách hỗ trợ quy định tại điều này, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập được hưởng các chính sách hỗ trợ đối với viên chức và các chính sách hỗ trợ khác nếu có.

4. Khuyến khích địa phương, cơ sở giáo dục có các chính sách hỗ trợ nhà giáo bảo đảm cuộc sống, phát triển nghề nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn và nguồn tài chính hợp pháp của địa phương, cơ sở giáo dục.

5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1, khoản 2 và khoản 3 điều này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.