Đề xuất mô hình phó chủ tịch tỉnh là bí thư kiêm chủ tịch UBND đặc khu

23/04/2018 18:18 GMT+7

Cả 3 địa phương Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang đều nhất trí phương án Bí thư Đảng ủy đặc khu kiêm chủ tịch UBND và sẽ do một phó chủ tịch UBND tỉnh đảm nhiệm.

Chiều nay, 23.4, Ban Tổ chức T.Ư đã tổ chức hội nghị trực tuyến với Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang về xây dựng hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu). Đại diện nhiều bộ, ngành, cơ quan T.Ư cũng tham dự hội nghị và góp ý về nội dung rất quan trọng này.
Theo báo cáo về mô hình chính quyền đặc khu trong dự thảo luật mới nhất, do ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, trình bày tại hội nghị, chính quyền địa phương đặc khu được xác định là một cấp chính quyền, có HĐND và UBND. HĐND đặc khu sẽ có từ 9 - 15 đại biểu, không tổ chức thường trực HĐND và các ban của HĐND.
UBND đặc khu bao gồm chủ tịch và 2 phó chủ tịch. Theo phương án của Bộ Nội vụ, chủ tịch UBND đặc khu sẽ do HĐND đặc khu bầu theo giới thiệu của bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau khi thống nhất với chủ tịch UBND tỉnh, trình Thủ tướng phê chuẩn sau khi HĐND bầu. 
Quan điểm này không được các địa phương ủng hộ, mà cho rằng nên là ngược lại, do tỉnh đề xuất và các cấp T.Ư thẩm định nhân sự bầu trưởng đặc khu, để HĐND đặc khu bầu và Thủ tướng phê chuẩn.
Phó chủ tịch UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu theo giới thiệu của chủ tịch UBND đặc khu và được chủ tịch UBND tỉnh phê chuẩn.
Bộ máy giúp việc của HĐND và UBND gồm văn phòng giúp việc chung và các cơ quan chuyên môn (không quá 7 cơ quan như: ban Tổ chức và quản lý nhân lực; ban Kinh tế; ban Phát triển hạ tầng; ban Chính sách xã hội; ban Thanh tra - Kiểm tra; ban Tài nguyên và Môi trường; ban Tuyên truyền vận động) và Trung tâm hành chính công đặc khu.
Về hệ thống chính trị tại các đặc khu, tổ soạn thảo đưa ra phương án thành lập Đảng bộ đặc khu là Đảng bộ cấp huyện trực thuộc Đảng bộ tỉnh.
Ban Chấp hành Đảng bộ được cơ cấu từ 21 - 27 người, ban thường vụ Đảng ủy không quá 7 - 9 người.
Đáng chú ý nhất, tổ soạn thảo đưa ra 2 phương án đối với bí thư Đảng ủy đặc khu, hoặc đồng thời là chủ tịch HĐND, là ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy; hoặc đồng thời là chủ tịch UBND đặc khu, là ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, phó chủ tịch UBND tỉnh.
Nếu bí thư đồng thời là chủ tịch UBND đặc khu thì bố trí 1 phó bí thư là phó chủ tịch phụ trách an sinh xã hội và xây dựng hệ thống chính trị...
Từ góc nhìn của địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc ủng hộ phương án 2, đề nghị bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch UBND đặc khu, như Quảng Ninh vẫn đang làm.
“Nếu bí thư mà không là chủ tịch UBND thì vẫn như cũ, không có gì đặc biệt cả. Vì bí thư là chủ tịch UBND đặc khu rồi, thì đề nghị 1 phó bí thư là chủ tịch HĐND kiêm công tác tổ chức Đảng và hệ thống chính trị luôn”, ông Đọc kiến nghị.
Quan điểm bí thư kiêm chủ tịch UBND đặc khu cũng như quy trình giới thiệu được cả Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Lê Thanh Quang và Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang Đặng Tuyết Em ủng hộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.