Hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng dự án luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) vừa được công bố. Trong đó, nội dung thu hút nhiều sự chú ý là quy định về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Theo Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì soạn thảo), đã tới lúc cần thiết rà soát, đánh giá lại để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với các điều kiện mới. Tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất 2 giải pháp.
![Đề xuất mới của Bộ Tài chính về tăng giảm trừ gia cảnh- Ảnh 1. Đề xuất mới của Bộ Tài chính về tăng giảm trừ gia cảnh- Ảnh 1.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/4/tien-dong-cua-ngoc-thang-1738639152472642209346.jpg)
Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc phù hợp với CPI
ẢNH: NGỌC THẮNG
Giải pháp thứ nhất là nghiên cứu điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc cho phù hợp với diễn biến CPI và các chỉ số kinh tế vĩ mô những năm gần đây, góp phần giảm gánh nặng thuế cho người nộp thuế.
Bổ sung phạm vi xác định các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được giảm trừ; nghiên cứu bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù khác; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành để phù hợp với thực tiễn phát sinh.
Giải pháp thứ 2 là nghiên cứu điều chỉnh quy định về mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc. Giữ nguyên phạm vi các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được giảm trừ, không bổ sung thêm các khoản giảm trừ đặc thù khi xác định thu nhập tính thuế để không gây xói mòn cơ sở thuế.
Đề xuất lựa chọn giải pháp thứ nhất, Bộ Tài chính phân tích, việc sửa đổi quy định về giảm trừ có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại, đảm bảo công bằng xã hội, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, tình hình giá cả và lạm phát, đảm bảo điều kiện sống thiết yếu cho cá nhân.
Cạnh đó, đảm bảo khắc phục toàn diện hơn những vấn đề đặt ra trong thực tiễn đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công, góp phần giảm bớt gánh nặng thuế cho người nộp thuế, đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn vừa qua và xu hướng phát triển cũng như thông lệ quốc tế.
Nghiên cứu bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù
Theo Bộ Tài chính, luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành đã quy định về giảm trừ cho bản thân người nộp thuế, giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc mà người nộp thuế phải nuôi dưỡng.
![Đề xuất mới của Bộ Tài chính về tăng giảm trừ gia cảnh- Ảnh 2. Đề xuất mới của Bộ Tài chính về tăng giảm trừ gia cảnh- Ảnh 2.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/8/giam-tru-gia-canh-17390232958951780755390.jpg)
Bộ Tài chính cho rằng cần thiết rà soát, nghiên cứu bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù khác trước khi tính thuế cho cá nhân người nộp thuế
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Đồng thời, luật cũng quy định không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, các khoản trợ cấp, phụ cấp đặc thù, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo...
Thời gian qua, có ý kiến cho rằng cần nghiên cứu cho phép người nộp thuế được trừ một số khoản chi trong năm ở mức độ phù hợp như các khoản chi phí về y tế, giáo dục trước khi tính thuế.
Đối với các khoản giảm trừ đặc thù, Bộ Tài chính cho rằng đây là các khoản giảm trừ mà người nộp thuế được hưởng khi đáp ứng được một số tiêu chí nhất định, ví dụ như chỉ tiêu cho các khoản mà Nhà nước khuyến khích (ví dụ cho y tế, giáo dục...). Theo đó, phạm vi các khoản giảm trừ này ở các nước cũng rất đa dạng.
Có quốc gia cho phép giảm trừ các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... để khuyến khích người dân tham gia các dịch vụ này. Có quốc gia cho phép giảm trừ các khoản chi phí về y tế, chi phí giáo dục của con hoặc có quốc gia cho phép giảm trừ đối với các khoản lãi tiền vay mua nhà trả góp... (Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Indonesia...).
"Nhằm phát huy tốt vai trò, ý nghĩa của chính sách thuế thu nhập cá nhân trong việc điều tiết thu nhập nhưng có tính đến điều kiện, hoàn cảnh của người nộp thuế, cần thiết rà soát, nghiên cứu bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù khác trước khi tính thuế cho cá nhân người nộp thuế.
Tuy nhiên, phạm vi các khoản chi được giảm trừ và mức độ được giảm trừ đối với các khoản chi cần phải được cân nhắc, tính toán phù hợp để vừa đạt được mục tiêu đề ra nhưng cũng không làm giảm vai trò của chính sách thuế thu nhập cá nhân dưới phương diện là một công cụ điều tiết thu nhập, thực hiện phân phối lại thu nhập trong nền kinh tế", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Tú phân tích, luật mới phải đảm bảo tính chất thuế thu nhập cá nhân là doanh thu trừ đi chi phí thực tế, thu nhập còn còn lại mới bị đánh thuế.
Phải đưa những chi tiêu cơ bản của người nộp thuế trừ vào chi phí gồm: tiền mua nhà, vay mua nhà; tiền viện phí, khám chữa bệnh cho người nộp thuế, cho người phụ thuộc của người nộp thuế; tiền đầu tư cho con cái học hành.
"Mua nhà người dân đều phải tích lũy nhiều năm, mua một căn chung cư ở Hà Nội hiện nay tối thiểu cũng 5 tỉ đồng, nếu được tính trừ vào chi phí thì người dân không bao giờ phải nộp thuế thu nhập cá nhân", ông Tú nói.
Bình luận (0)