Đề xuất nâng mức đầu tư dự án quan trọng quốc gia lên 35.000 tỉ

20/09/2018 11:32 GMT+7

Chính phủ đề xuất điều chỉnh tiêu chí tổng mức đầu tư dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỉ hiện nay lên 35.000 tỉ trong dự thảo luật Đầu tư công sửa đổi.

Trình bày báo cáo dự án luật Đầu tư công sửa đổi tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 20.9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong 18 nhóm chính sách sửa đổi lần này, Chính phủ đề xuất điều chỉnh tiêu chí tổng mức đầu tư dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỉ hiện nay lên 35.000 tỉ.
Báo cáo thẩm tra dự án luật do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, đề nghị sửa đổi này chưa đủ căn cứ.
Theo ông Hải, việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư chỉ áp dụng trong trường hợp có biến động lớn về chỉ số giá tiêu dùng. Trong khi đó, 3 năm qua, tính từ thời điểm áp dụng Luật, chỉ số giá tiêu dùng không biến động lớn.
Bên cạnh đó, quy định hiện hành về xác định mức vốn của dự án quan trọng quốc gia là từ 10.000 tỉ đồng trở lên đã được tính toán, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, với khả năng cân đối nguồn vốn của ngân sách.
Ngoài ra, hiện nay, số dự án có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỉ đồng vốn đầu tư công thời gian qua là rất ít, việc triển khai quy định này không phát sinh vướng mắc về mức trần vốn của dự án. Việc quy định mức 35.000 tỉ đồng khá lớn so với số vốn đầu tư hàng năm của ngân sách nhà nước (khoảng 10%).
Từ đó, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị giữ nguyên tiêu chí xác định tổng mức đầu tư dự án quan trọng quốc gia cũng như các dự án nhóm A, B, C như luật hiện hành.
Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn về đề nghị này, vì không hiểu việc đề nghị nâng tổng mức đầu tư lên 35.000 tỉ là do vướng mắc vấn đề gì trong quá trình thực hiện. "Liệu có phải hiện có một số dự án đã có mức đầu tư cao hơn 10.000 nên điều chỉnh để xử lý?", Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu băn khoăn, và cho rằng đây là tư duy không phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết bà thống nhất quan điểm là sửa những gì quy định trong Luật gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư công.
Tuy nhiên, những căn cứ và các nhóm chính sách mà Chính phủ kiến nghị sửa thì nhiều vấn đề không nằm ở Luật, mà chủ yếu nằm ở khâu tổ chức thực hiện.
“Chính phủ nêu một số quy định đầu tư công quá cứng nhắc hoặc chưa đầy đủ, nhưng những cái điển hình mà báo cáo dẫn ra như bố trí vốn không phù họp nguyên tắc, tiêu chí, bất cập trong điều chỉnh kế hoạch, giao vốn nhiều lần, giao chậm, kéo dài thời gian giao vốn… thì là ở khâu thực hiện, chứ không phải do luật quy định”, bà Ngân nói.
Dẫn kiến nghị nâng tổng mức đầu tư dự án trọng điểm quốc gia từ 10.000 lên 35.000 tỉ, bà Ngân cho rằng điều này không phải là khó khăn thực hiện luật Đầu tư công. “Hiện quy định 10.000 tỉ mà nhiều dự án vừa rồi chúng ta còn làm không được thì đâu phải do quy định ở luật”, bà Ngân nêu, và cho rằng cần phải rà lại khâu thực hiện, nhất là các quy định tại nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật Đầu tư công, vì có dư luận nói rằng các quy định tại các nghị định này đang khiến cho thủ tục nhiều hơn.
Bỏ quyền hạn của TVQH trong điều chỉnh kế hoạch đầu tư công?
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cũng không đồng tình với dự thảo Luật khi sửa đổi theo hướng bỏ quy định hiện hành về nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) trong việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, giao Chính phủ thẩm quyền này.
Theo ông Hải, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị giữ như quy định hiện hành về thẩm quyền của Ủy ban TVQH. Theo đó, cần quy định rõ trong dự thảo Luật nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban TVQH bao gồm: quyết định điều chỉnh cơ cấu, mức vốn đầu tư công cho các chương trình, dự án trong trường hợp không làm thay đổi tổng mức vốn kế hoạch đã được Quốc hội quyết định; xem xét, quyết định danh mục các dự án sử dụng vốn đầu tư công; điều chỉnh danh mục các dự án đầu tư công; giám sát việc thực hiện phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương.
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu câu hỏi, việc dự thảo Luật bỏ các quy định về quyền hạn của Chính phủy là do vướng mắc chỗ nào? Theo ông Tỵ, nếu vướng mắc thì có thể xem xét, nhưng phải có giải thích rõ.
Ông Nguyễn Chí Dũng giải trình dường như có sự hiểu lầm, vì không có điều khoản nào quy định về việc bỏ quyền hạn của Ủy ban TVQH và cũng không có tinh thần như vậy. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Hải cho biết, trong các quy định của dự thảo luật mà Chính phủ trình sang Ủy ban TVQH thì các quy trình, thủ tục không nhắc đến thẩm quyền của Ủy ban TVQH thì như vậy là bỏ quyền hạn của Ủy ban TVQH.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, việc dự thảo Luật bỏ thẩm quyền của Ủy ban TVQH trong việc xem xét điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, mà giao thẩm quyền này cho Chính phủ là không phù hợp với luật Ngân sách, ngược lại, có thể khiến cho dư luận hiểu nhầm là quy định như luật hiện hành đang gây khó khăn cho việc thực hiện đầu tư công, nên cần hết sức cân nhắc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.