Đề xuất nghỉ học hết tháng 3 ngừa dịch Covid-19: Sẽ cân nhắc rất kỹ

21/02/2020 07:08 GMT+7

Đề xuất của UBND TP.HCM về việc cho học sinh cả nước kéo dài thời gian nghỉ học đến hết tháng 3 và lùi kỳ thi THPT vào cuối tháng 7 thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Dạy - học - thi sẽ ra sao ?

Ghi nhận của PV Thanh Niên, nhiều ý kiến nhà giáo ở Hà Nội và khu vực phía bắc đều có chung nhận xét thông tin kiểm soát tốt về dịch bệnh khiến họ đang chờ đợi sớm đón học sinh (HS) trở lại trường, để tiếp tục thực hiện kế hoạch dạy học đang dang dở.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cho rằng những thông tin tốt về thời tiết và thực tế kiểm soát dịch bệnh cho đến ngày 20.2 thì thấy, việc cho HS Hà Nội trở lại trường vào tuần tới là hoàn toàn khả thi. Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), thì cho rằng nếu nghỉ học hết tháng 2, việc lùi kỳ thi THPT quốc gia so với năm trước nên khoảng 2 tuần chứ không nhất thiết phải cuối tháng 7, vì mỗi địa phương còn phải lo tuyển sinh đầu cấp, thi tuyển vào lớp 10. Nếu tất cả đều lùi dồn vào một thời điểm thì sẽ rất rối loạn.
Trao đổi với PV Thanh Niên cuối chiều 20.2, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ đã xây dựng dự thảo điều chỉnh khung thời gian năm học, các phương án về thời điểm thi THPT quốc gia và sẽ báo cáo Chính phủ vào cuộc họp sáng 21.2, sau đó sẽ có hướng dẫn chính thức với các địa phương để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch học tập, tuyển sinh đầu cấp...
Ông Hoàng Đăng Thưởng, Phó trưởng phòng GD-ĐT H.Tam Nông (Phú Thọ), cũng phân tích khi nghỉ đến hết tháng 2, với quỹ thời gian còn lại, việc thực hiện nhiệm vụ năm học của các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS vẫn khả thi và không có nhiều ảnh hưởng tới khung thời gian năm học của năm học tiếp theo. Nhưng, nếu nghỉ kéo dài sang tháng 3, hoặc tiếp theo, sẽ gây một số áp lực lên khung thời gian chương trình, các mốc kế hoạch năm học và thực hiện nhiệm vụ năm học của cơ sở giáo dục; đặc biệt là công tác chuẩn bị cho thực hiện chương trình mới từ lớp 1, thi tuyển sinh đầu cấp cho năm học tiếp theo…
Đề xuất nghỉ học hết tháng 3 ngừa dịch Covid-19: Sẽ cân nhắc rất kỹ

Giáo viên tại TP.HCM tham gia tập huấn phương pháp dạy học trực tuyến trong thời gian học sinh nghỉ học do dịch Covid-19

Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Cân nhắc kỹ đến đề xuất

Trả lời PV Thanh Niên, ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc cho HS ở nhà, nghỉ học để đảm bảo sức khỏe, tính mạng và tránh lây lan dịch cho HS và cộng đồng… là rất cần thiết. Tuy nhiên, những đề xuất liên quan vấn đề này cần hết sức cân nhắc. “Chúng ta không coi thường, chủ quan trong công tác phòng ngừa dịch bệnh, nhưng không nên quá lo lắng dẫn đến những giải pháp gây ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống, sinh hoạt, học tập của HS, nhà trường và các gia đình”, ông Thắng nêu quan điểm.

Hôm nay Bộ GD-ĐT sẽ nêu quan điểm  

Về đề xuất của TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Độ cho biết hôm nay (21.2), Bộ GD-ĐT sẽ nêu quan điểm chính thức sau cuộc họp với lãnh đạo Chính phủ và các ban, ngành liên quan.
Còn ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, cho rằng cần theo sát tình hình diễn biến dịch bệnh theo khuyến cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành y tế, để quyết định cho HS nghỉ tiếp hay đi học trở lại. Tuy nhiên, về mặt chuyên môn, ông Thành bày tỏ, nếu phải cho HS nghỉ học nhiều hơn nữa, kéo dài hơn thì rõ ràng thấy nhiều bất lợi. Ví dụ phải điều chỉnh thời gian kết thúc năm học; thi THPT quốc gia cũng phải lùi lại…
Theo ông Thắng, đã nghỉ học thì đương nhiên là phải có kế hoạch dạy học bù, và với HS cuối cấp thì còn liên quan đến các kỳ thi chuyển cấp: lớp 9 là thi tuyển sinh vào lớp 10; lớp 12 là thi THPT quốc gia. Kế hoạch năm học của năm nay nếu quá chậm còn ảnh hưởng tới các mốc thời gian năm học của năm sau, vì đó là những phản ứng dây chuyền.
“Do vậy, đã nghỉ là phải có kế hoạch, giải pháp đồng đều. Đề xuất của TP.HCM thì vấn đề không phải của một địa phương mà là đề xuất cho cả nước, trong đó có thời gian tổ chức thi THPT quốc gia, nên theo tôi càng phải cân nhắc rất thận trọng, nhiều yếu tố khi Chính phủ hoặc Bộ GD-ĐT ra quyết định chính thức”, ông Thắng nói.

Nguồn: Tổng hợp

Đồ họa: Hồng Sơn

Cần giải pháp đặc thù với “tâm dịch”

Câu hỏi đặt ra là nếu HS cả nước trở lại trường vào đầu tháng 3 tới thì với những địa phương như Vĩnh Phúc, hoặc những nơi tình hình bệnh mang tính đặc thù, bất khả kháng thì sao khi HS cả nước đi học và tham dự kỳ thi THPT quốc gia?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT cho biết, quan điểm của Bộ vẫn phải là đảm bảo an toàn, sức khỏe cho thầy cô và HS trong khu vực ấy. “Nếu như buộc phải áp dụng những biện pháp đặc thù thì chúng tôi sẽ tham mưu với Bộ trưởng quyết định những vấn đề trong thẩm quyền của Bộ trưởng. Còn nếu vượt thẩm quyền của Bộ trưởng thì Bộ sẽ phải xin ý kiến của cấp trên”, ông Thành nói.
Đồng quan điểm, ông Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, những địa phương là tâm điểm của dịch bệnh thì cần khoanh vùng và có thể có những giải pháp đặc thù cho địa phương đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.