Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính và thạc sĩ Trần Thị Thu Hà (Trường ĐH Luật TP.HCM) đã đề xuất như trên tại hội thảo “Pháp luật về tổ chức chính quyền đô thị” do Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức ngày 14.12.
Thạc sĩ Trần Thị Thu Hà (Trường ĐH Luật TP.HCM) đề xuất UBND TP.HCM nghiên cứu mô hình Thị trưởng, đổi tên thành Tòa Thị chính |
NGÂN NGA |
Hiện nay, căn cứ vào Nghị quyết số 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, UBND TP được tăng cường nhiều nhiệm vụ, quyền hạn. Trong đó, UBND TP xây dựng, trình HĐND TP quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương…
Ngoài ra, người đứng đầu UBND TP cũng được tăng cường thêm một số quyền hạn như bổ nhiệm đối với Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND quận, được ủy quyền cho Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND TP. Còn nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP với tư cách cơ quan hành chính nhà nước ở TP trực thuộc trung ương, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực khác nhau trong phạm vi hành chính lãnh thổ thì chưa được cải thiện nhiều.
Do đó, nhóm tác giả cho rằng có thể nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động của UBND TP cho phù hợp với đặc trưng và yêu cầu của chính quyền đô thị.
Theo đó, nhóm tác giả đề xuất nghiên cứu mô hình Thị trưởng, UBND TP được đổi tên thành Tòa Thị chính, do Thị trưởng đứng đầu có quyền quyết định các chức danh cấp phó và bộ máy tham mưu, giúp việc. Chức năng chủ yếu của Tòa Thị chính là quản lý địa phương, triển khai thi hành các văn bản của HĐND TP, chịu trách nhiệm trước HĐND thông qua cơ chế bãi miễn.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Quyên và thạc sĩ Huỳnh Thị Hồng Nhiên (Trường ĐH Luật TP.HCM) còn dẫn chứng tổ chức chính quyền đô thị ở một số TP lớn trên thế giới cũng áp dụng mô hình Đại hội nhân dân - Thị trưởng (TP.Bắc Kinh, Trung Quốc), Thị trưởng - Hội đồng (TP.New York, Hoa Kỳ), Hội đồng - Thị trưởng (TP.Seoul, Hàn Quốc).
Theo nhóm tác giả, ưu điểm của các mô hình trên mang đến là bộ máy chính quyền đô thị ở các TP lớn thường được tổ chức theo hướng tinh gọn, cắt giảm tầng nấc trung gian, đảm bảo tính nhanh chóng và kịp thời. Phần lớn ở mỗi cấp chính quyền đều lựa chọn hình thành hai loại cơ quan: cơ quan đại diện và cơ quan hành chính.
Cũng theo thạc sĩ Nguyễn Thanh Quyên và thạc sĩ Huỳnh Thị Hồng Nhiên, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu mở rộng thẩm quyền cho người đứng đầu chính quyền đô thị. Thẩm quyền đó phải bao quát toàn diện các lĩnh vực của đô thị từ ban hành chính sách, pháp luật, ngân sách, tài chính cho đến vấn đề an ninh, môi trường, trật tự đô thị… “Đi kèm với đó là trách nhiệm rất lớn, mọi sai sót trong chất lượng dịch vụ công đều có thể quy về trách nhiệm cho người đứng đầu”, thạc sĩ Quyên nói.
Bình luận (0)