Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo lần 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Theo Bộ Công an, từ năm 2010 đến nay, có khoảng 650.000 người chấp hành xong án phạt tù hoặc được đặc xá, tương ứng mỗi năm có 50.000 - 55.000 người. Đây là những đối tượng đặc thù, từng có quá khứ lầm lỗi và thời gian dài ở trong các cơ sở giam giữ, cách biệt với xã hội, nên gặp rất nhiều khó khăn khi tái hòa nhập cộng đồng.
Kết quả khảo sát của công an các địa phương cho thấy, 83,26% người chấp hành án xong án phạt tù (chưa xóa án tích) có việc làm, nhưng các nghề họ có được chủ yếu là lao động phổ thông, đơn giản; số người là công nhân, lao động kỹ thuật có tỷ lệ thấp; phần lớn thu nhập bình quân dưới 7 triệu đồng/tháng.
Tình trạng việc làm của người chấp hành xong án phạt tù là rất khó khăn và thiếu bền vững. Họ khó có khả năng, điều kiện để tạo lập được cuộc sống ổn định. Thêm vào đó, tâm lý e ngại, lảng tránh tiếp nhận, tạo điều kiện việc làm cho họ còn phổ biến; hoặc cấp chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức.
Vẫn theo Bộ Công an, Nghị định số 49/2020 hiện quy định người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn đào tạo nghề nghiệp và tạo việc làm nhưng chỉ vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm, trong khi nguồn vốn này rất hạn chế.
Vì vậy, cần quy định thêm để đảm bảo người chấp hành xong án phạt tù cũng được vay vốn như các đối tượng khác (như người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương, học sinh, sinh viên...).
Trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất nguồn vốn cho vay là từ ngân sách địa phương hàng năm bố trí, ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội; các nguồn vốn hợp pháp khác. Ngân hàng Chính sách xã hội huy động và được cấp bù chênh lệch lãi suất, phí quản lý theo quy định.
Đối tượng được vay vốn gồm người đã chấp hành hết thời hạn chấp hành án phạt tù và người được đặc xá; doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.
Đối với người chấp hành xong án phạt tù, điều kiện là phải có tên trong danh sách cư trú ổn định tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không mắc các tệ nạn xã hội; có nhu cầu vay vốn, do công an cấp xã lập và được UBND cấp xã xác nhận. Thời gian kể từ ngày chấp hành xong án phạt tù đến khi vay vốn tối đa 5 năm.
Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, điều kiện là có sử dụng đối tượng lao động là người chấp hành xong án phạt tù, có dự án vay vốn khả thi tại địa phương và được UBND cấp xã xác nhận.
Về mức vốn cho vay, đối với vay vốn để đào tạo nghề, mức cho vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù.
Đối với việc vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, nếu là cá nhân người chấp hành xong án phạt tù thì tối đa là 100 triệu đồng/người; nếu là cơ sở sản xuất, kinh doanh thì tối đa là 2 tỉ đồng/dự án.
Lãi suất cho vay với các đối tượng trên sẽ bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Đặc biệt, người chấp hành xong án phạt tù vay vốn đào tạo nghề và vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm sẽ không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.
Bình luận (0)