Sáng 7.6, Quốc hội thảo luận về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm chính sách đặc thù cho TP.Đà Nẵng.
Góp ý về tổ chức chính quyền đô thị của TP.Đà Nẵng, đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) cho rằng mô hình chính quyền đô thị của Đà Nẵng thời gian qua còn một số khó khăn, vướng mắc về tổ chức bộ máy, biên chế. Do đó, các chính sách trình Quốc hội thông qua lần này sẽ tháo gỡ được các vướng mắc mà TP.Đà Nẵng gặp phải.
"Tôi thấy rằng cần có sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn. Đây là điều kiện để chúng ta thí điểm, có bài học để mở rộng điểm thành diện", ông Vũ Trọng Kim nói.
Đại biểu Vũ Trọng Kim cũng đề xuất cho phép Đà Nẵng bầu trực tiếp chủ tịch UBND thành phố bằng lá phiếu của nhân dân. Ông Kim cho biết, khi góp ý cho Nghị quyết 119 năm 2020 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm chính sách đặc thù cho TP.Đà Nẵng, ông đã nêu đề xuất này.
"Có người ủng hộ, có người không nhưng tôi cho rằng đây là tiến thêm một bước đi dân chủ cần thiết nên đề nghị các đại biểu Quốc hội, Đảng, Chính phủ quan tâm", ông Kim nói, và cho rằng, việc bầu trực tiếp chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng vẫn có thể thiết kế quy trình để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự thống nhất của HĐND thành phố cũng như giới thiệu của Mặt trận Tổ quốc.
Mạnh dạn phân cấp về quản lý biên chế
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) thì đề nghị cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp, phân quyền về quản lý biên chế để phát huy vai trò tự quản, tự chịu trách nhiệm của thành phố trong xây dựng đội ngũ, cán bộ.
Chính phủ đề xuất HĐND TP.Đà Nẵng được quyết định số lượng cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã. Đồng thời, thống nhất quy định cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã thuộc biên chế cán bộ, công chức cấp huyện.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, việc quy định cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã thuộc biên chế cán bộ, công chức cấp huyện tức là cán bộ, công chức làm việc ở phường, xã không còn là "cán bộ, công chức cấp xã" nữa mà được xác định là cán bộ, công chức và thuộc tổng biên chế cán bộ, công chức của TP.Đà Nẵng.
Việc không phân biệt cán bộ, công chức ở xã, phường với cấp huyện, cấp tỉnh dù chưa sửa luật Cán bộ, công chức, ông Đồng đánh giá là bước tiến bộ. Tuy nhiên, theo ông Đồng, việc dự thảo nghị quyết chỉ giao thẩm quyền quyết định biên chế cán bộ, công chức làm việc ở phường, xã tại TP.Đà Nẵng cho HĐND TP.Đà Nẵng quyết định chưa thể hiện triệt để chủ trương của Đảng là đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền.
"Nếu phân cấp cho TP.Đà Nẵng thẩm quyền quyết định một phần biên chế cán bộ, công chức của TP.Đà Nẵng thì có thể gọi đó là "phân cấp nửa vời".
Ông Đồng đề xuất Chính phủ cân nhắc phân quyền quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức cho TP.Đà Nẵng có sự kiểm soát, kiểm tra, thanh tra của T.Ư.
"Trong xu thế chúng ta đang đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giữa T.Ư với chính quyền địa phương, nên mạnh dạn đẩy mạnh phân cấp về quản lý biên chế", ông Đồng nêu.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) thì lưu ý, quy định cán bộ, công chức làm việc tại phường thuộc biên chế cán bộ, công chức cấp huyện khác so với quy định tại luật Cán bộ, công chức hiện hành. Do vậy, theo ông Hiển, để triển khai được chính sách này trên thực tế cần phải có rất nhiều những giải pháp để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã.
Ông Hiển đề nghị trong quá trình triển khai cần lưu ý, xác định các tiêu chuẩn về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức cấp xã phải được nâng cấp tương xứng với vị trí việc làm và tương đương với các tiêu chuẩn, điều kiện của công chức cấp huyện để tạo thuận lợi cho việc luân chuyển, điều động giữa cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện.
Bình luận (0)