Đề xuất người dân được công nhận giới tính mới một lần trong đời

12/05/2023 15:15 GMT+7

Luật Chuyển đổi giới tính do đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề xuất cho phép được công nhận giới tính sau khi có can thiệp y học chuyển đổi giới tính.

Sáng nay 12.5, tiếp tục phiên họp 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị xây dựng luật Chuyển đổi giới tính do đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề xuất, để trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tại kỳ họp 5 khai mạc ngày 22.5 tới.

Đề xuất người dân được công nhận giới tính mới một lần trong đời - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí trình bày tờ trình đề nghị xây dựng luật Chuyển đổi giới tính

GIA HÂN

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp hồi tháng 4, ông nhận thấy cần điều chỉnh tên gọi từ luật Bản dạng giới thành luật Chuyển đổi giới tính.

Theo đó, dự thảo luật Chuyển đổi giới tính đã thu hẹp phạm vi, đối tượng điều chỉnh, chỉ tập trung vào người đã can thiệp y học thành 2 dạng giới nam và nữ.

Về điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính, hồ sơ đề nghị xây dựng luật được điều chỉnh theo hướng giảm số lần được công nhận giới tính từ 2 lần (trong đề nghị trước đó) xuống chỉ còn 1 lần trong cuộc đời.

"Quy định như vậy nhằm hạn chế sự xáo trộn trong xã hội, không làm ảnh hưởng đến công tác quản lý của Nhà nước; bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành", ông Trí nói.

Cũng theo ông Trí, thay vì công dân có quyền lựa chọn can thiệp y học để chuyển đổi giới tính sau khi đã được công nhận bản dạng giới, công dân bắt buộc thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính thì mới được Nhà nước thừa nhận là người chuyển giới.

Dự thảo đồng thời quy định việc cơ sở khám, chữa bệnh thành lập hội đồng can thiệp y học để chuyển đổi giới tính. Trong đó, cơ sở này có trách nhiệm cấp giấy xác nhận đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính cho công dân.

Làm rõ hơn mức độ can thiệp y học chuyển đổi giới tính

Trình bày báo cáo thẩm tra đề nghị xây dựng luật, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Trần Hồng Nguyên đề nghị dự thảo luật cần thể hiện rõ hơn về mức độ can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, vì vấn đề này ảnh hưởng đến việc xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân sau khi chuyển đổi giới tính.

Đề xuất người dân được công nhận giới tính mới một lần trong đời - Ảnh 2.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Trần Hồng Nguyên báo cáo tại phiên họp

GIA HÂN

Đồng thời, đại biểu cần nghiên cứu về một số quyền, nghĩa vụ mang tính đặc thù của cá nhân sau khi chuyển đổi giới tính.

Về quy định công nhận giới tính mới áp dụng đối với các trường hợp đã thực hiện phẫu thuật, Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng ngoài phẫu thuật, chuyển đổi giới tính còn có thể được thực hiện bằng việc sử dụng hoóc môn hoặc có mức độ can thiệp y học khác.

Do đó, cơ quan này đề nghị đại biểu nghiên cứu bổ sung giải pháp phù hợp với hình thức, mức độ can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

Ngoài ra, hiện nay ở Việt Nam chưa có chính sách cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện chuyển đổi giới tính.

Vì vậy theo Ủy ban Pháp luật Quốc hội, việc đề xuất giải pháp công nhận kết quả đã thực hiện chuyển đổi giới tính của các cơ sở này cần được làm rõ, quy định phù hợp.

Tại phiên họp, sau khi thảo luận, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bỏ phiếu quyết định việc trình Quốc hội quyết định đưa đề nghị xây dựng luật Chuyển đổi giới tính của đại biểu vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Kết quả, 12/14 ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã tán thành.

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị với những ý kiến và nội dung còn băn khoăn, ví dụ như định nghĩa về chuyển đổi giới tính… thì Ủy ban Pháp luật Quốc hội phối hợp cùng Ủy ban Xã hội Quốc hội tiếp tục tổng hợp và đại biểu làm rõ thêm.

Theo ông Định, nếu Quốc hội đồng ý đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đại biểu Quốc hội có thể trình dự thảo luật ra Quốc hội vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10.2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5.2025).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.