Sáng 17.2, tiếp tục kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách tháo gỡ khó khăn cho hoạt động khoa học, công nghệ, chuyển đổi số quốc gia.
"Không nên lo nhà giáo và nhà khoa học giàu"

Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến thảo luận sáng 17.2
ẢNH: GIA HÂN
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) tán thành với quy định miễn thuế thu nhập cá nhân cho nhà khoa học đối với tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập từ thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, việc dự thảo nghị quyết chỉ miễn thuế thu nhập cá nhân với các khoản thu nhập từ ngân sách nhà nước đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ đang tạo ra "bất hợp lý".
Đại biểu đoàn Hà Nội phân tích, theo quy định tại dự thảo, với phần kinh phí do doanh nghiệp tài trợ thì chỉ doanh nghiệp được trừ vào thu nhập chịu thuế, trong khi nhà khoa học tại đơn vị nghiên cứu sẽ vẫn phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
"Đơn vị nghiên cứu tự đi khai thác tài trợ bên ngoài vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân là không công bằng. Do vậy, đề nghị miễn thuế thu nhập cá nhân cho tất cả các khoản thu nhập cho các nhà khoa học làm việc trong các tổ chức khoa học, công nghệ", ông Cường nêu.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, lại không đồng tình với đề xuất này.
"Không thể không thu thuế thu nhập cá nhân được", ông Thân nói, và cho rằng, các nhà khoa học, người có phát minh, sáng chế đã thu được tiền, đã có bao nhiêu ưu đãi rồi thì đóng góp cho xã hội về thu nhập cá nhân là "phải đóng".
"Cán bộ, công nhân viên chức hay cả doanh nghiệp chúng tôi lương còn nộp thuế thu nhập", ông Thân nói thêm.
Trước đó, thảo luận tại tổ hôm 15.2, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, về miễn thuế thu nhập cá nhân nên có miễn, có giảm và có thời hạn chứ không nên miễn hết. Bà đề xuất có thể 3 năm đầu tiên thì miễn hoàn toàn, nhưng sau đó miễn theo tỷ lệ để "hài hòa".
"Hiện nay, có những nhà đầu tư nước ngoài, nhà nghiên cứu khoa học nước ngoài thu nhập rất cao", bà Mai nêu.
Ngược lại, Giám đốc Đại học Quốc hội Hà Nội Lê Quân (đoàn Hà Nội) lại cho rằng: "Không nên lo nhà giáo và nhà khoa học giàu". Theo ông, có nhiều nhà giáo và nhà khoa học giàu thì phải mừng vì giàu chính đáng.
"Anh làm giàu và được miễn thuế nhiều, tức là anh đóng góp, làm nghiên cứu tốt và ra sản phẩm tốt. Anh có làm tốt thì anh mới nhận được kinh phí, còn anh không làm tốt thì không có kinh phí được", ông Quân nêu.

Dù không đồng tình miễn thuế thu nhập cá nhân cho nhà khoa học, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) đồng tình cần bỏ quy định đấu thầu trong hoạt động khoa học, công nghệ
ẢNH: GIA HÂN
Đề xuất bỏ tất cả quy định đấu thầu trong nghiên cứu khoa học, công nghệ
Một đề xuất được nhiều đại biểu đề cập là bỏ toàn bộ quy định đấu thầu trong hoạt động khoa học, công nghệ để tháo gỡ nhiều vướng mắc hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) đề nghị có trình tự, thủ tục đặc biệt trong đầu tư kết cấu hạ tầng khoa học, công nghệ.
Cụ thể, bà Thúy đề nghị có các hình thức giao thầu chìa khóa trao tay, chỉ định thầu hoặc đấu thầu rút gọn… như với chính sách đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Đại biểu Hoàng Văn Cường thì cho rằng, phải bỏ tất cả quy định liên quan đến đấu thầu trong nghiên cứu khoa học, công nghệ.
Theo đại biểu đoàn Hà Nội, việc đấu thầu chọn đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ là không phù hợp, dẫn đến đề tài nghiên cứu năm nay đấu thầu được, đang dở dang, sang năm không đấu thầu nữa thì đề tài đó sẽ bỏ đi.
"Nên chuyển sang cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ và khoán chi", ông Cường nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân cũng cho rằng, các đề tài nghiên cứu khoa học không nên đấu thầu.
"Đấu thầu rất nguy hiểm. Đấu thầu thì theo giá, ban quản lý đấu thầu việc đầu tiên bao giờ cũng nhìn về giá, mà giá trong khoa học công nghệ là chết. Tôi đề nghị không đấu thầu mà chỉ định. Ai là người được giao quyền chỉ định thầu thì người đó phải chịu trách nhiệm, cơ quan cũng thế, từ Chính phủ cho đến tỉnh, huyện", ông Thân nêu.
Bình luận (0)