Đề xuất những nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế biển

13/04/2024 06:47 GMT+7

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Ngày 12.4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Ủy ban), chủ trì kỳ họp lần thứ nhất của Ủy ban.

Kỳ họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối đến 28 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có biển.

Phát biểu kết luận kỳ họp, Phó thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban là chỉ đạo, điều phối cơ chế, chính sách pháp luật có tính liên ngành, liên vùng; nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Phó thủ tướng cho rằng cần có những bộ chỉ số đánh giá thế nào là quốc gia mạnh về biển, bền vững về biển, các ngành kinh tế biển có lợi thế, có chuyển biến về nhận thức, chính sách liên quan đầu tư, tài chính, môi trường, huy động nguồn lực tổng hợp… từ đó lượng hóa, đo đếm được kết quả thực hiện những mục tiêu lớn, nhiệm vụ, giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ TN-MT (cơ quan thường trực của Ủy ban) khẩn trương tham mưu kiện toàn thành viên Ủy ban cũng như quy chế làm việc. Các bộ quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm đề xuất những nhiệm vụ đột phá, trọng tâm như: xây dựng bộ chỉ tiêu quốc gia về kinh tế biển; huy động nguồn lực; vận tải biển, logistics; nghiên cứu, điều tra tài nguyên môi trường biển; xây dựng đô thị biển; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản trị và thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển…

Trong thời gian tới, Ủy ban khẩn trương hoàn thành quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; các bộ chỉ tiêu đánh giá việc thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Tại kỳ họp, các thành viên Ủy ban đã phân tích nguyên nhân của khó khăn, tồn tại, hạn chế trong thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển như hoạt động khai thác, sử dụng biển; nhận thức về vị trí, vai trò của biển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; việc xây dựng thể chế chính sách nhằm chuyển đổi, phát triển mô hình tăng trưởng xanh; cơ chế chính sách thu hút đầu tư; chính sách ưu đãi, hỗ trợ nghiên cứu khoa học…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.