Sáng 29.10, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình Quốc hội dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật trong lĩnh vực tài chính, trong đó có luật Quản lý thuế.
Luật Quản lý thuế hiện hành quy định tất cả người nộp thuế và người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế thuộc trường hợp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thì bị tạm hoãn xuất cảnh, không phụ thuộc vào số thuế nợ là lớn hay nhỏ.
Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 7 điều 66 (về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh) theo hướng quy định chỉ có các đối tượng là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế và các cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh thuộc trường hợp bị cưỡng chế bị tạm hoãn xuất cảnh.
Thay vì chỉ quy định chung là người nộp thuế, tại dự thảo luật, Chính phủ quy định rõ: cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, cá nhân là người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.
Nhiều ý kiến trái chiều về tạm hoãn xuất cảnh người nợ thuế
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, vấn đề tạm hoãn xuất cảnh của người đại diện đang có nhiều ý kiến trái chiều trên phương tiện thông tin đại chúng. Số lượng các trường hợp phải tạm hoãn xuất cảnh đã tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây.
Trong khi đó, như đánh giá của cơ quan thuế, tạm hoãn xuất cảnh là một biện pháp nhỏ và không phải biện pháp mạnh nhất.
Vì vậy, cơ quan thẩm tra cho rằng, Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về tác động của việc áp dụng biện pháp cưỡng chế này trên thực tế để cân nhắc phương án quy định phù hợp, đảm bảo hiệu quả cưỡng chế và tránh các phản ứng trái chiều không cần thiết hoặc chưa nên sửa đổi nội dung này vào thời điểm hiện nay.
Trong trường hợp cần sửa đổi nội dung này, đề nghị Chính phủ cân nhắc bổ sung quy định về ngưỡng nợ thuế để giới hạn phạm vi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh một cách phù hợp.
Ông Lê Quang Mạnh cũng phản ánh ý kiến của Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 66 về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh và bỏ quy định tại khoản 7 điều 124 luật Quản lý thuế, do theo quy định khái niệm chung "người nộp thuế" tại khoản 1 điều 66 sẽ khó thực hiện trên thực tế đối với trường hợp người nộp thuế là tổ chức vì theo quy định tại khoản 1 điều 2 luật Quản lý thuế thì người nộp thuế bao gồm cả tổ chức và cá nhân.
Trong khi việc tạm hoãn xuất cảnh chỉ có thể áp dụng được với chủ thể là cá nhân. Ngoài ra, trong quá trình quản lý thuế phát sinh trường hợp người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là người làm thuê, chỉ đứng tên trên giấy tờ, không có quyền quyết định việc kinh doanh của doanh nghiệp.
Do đó, cần thiết phải quy định rõ cá nhân người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải là chủ tịch HĐQT, chủ doanh nghiệp, chủ sở hữu công ty… phù hợp với luật doanh nghiệp, đồng thời bổ sung đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh gồm cá nhân là đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cá nhân là chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Để thống nhất đối tượng quy định tại luật Quản lý thuế trong trường hợp xuất cảnh và nâng cao hiệu quả công tác thu nợ thuế, đề xuất sửa đổi đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh là cá nhân người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp như nội dung nêu trên cho phù hợp.
Bình luận (0)