Đề xuất rút thời gian giáo dục phổ thông xuống 11 năm

22/04/2019 15:33 GMT+7

TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm đã lạc hậu, nên rút xuống còn 11 năm.

Sáng 22.4, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 tới đây.
Tham gia ý kiến tại hội thảo, ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm là vô cùng bất cập và "lạc hậu lắm rồi".
Ông Chức nói hiện nay trẻ em phát triển rất tốt cả về thể chất lẫn trí tuệ, đó là điều kiện để chúng ta rút ngắn chương trình học.
Theo ông Chức, trước đây đã có thời kỳ giáo dục phổ thông của chúng ta chỉ 9, 10 năm nhưng giờ lại kéo dài ra tới tận 12 năm mà học sinh cũng không giỏi hơn.
"Nếu chúng ta rút ngắn 1 năm, chỉ còn 11 năm thì sẽ có lợi biết bao nhiêu cho đất nước. Tại sao cứ khư khư 12 năm?", ông Chức nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, nếu nói đây là kinh nghiệm quốc tế thì cần phải nghiên cứu kỹ xem có bao nhiêu nước có chương trình phổ thông 12 năm, bao nhiêu nước là 11 năm để biết hệ thống giáo dục phổ thông của chúng ta đã phù hợp hay chưa.
Ông Chức cũng cho rằng, nhiều người giải thích rằng thời gian học của giáo dục phổ thông đã được Chính phủ quy định, nhưng nhẽ ra điều này phải được quy định trong luật Giáo dục chứ không phải là để Chính phủ quy định.

Ghi rõ điều cấm vào trong luật để xử lý tiêu cực

Một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu có mặt tại hội nghị đề cập là việc quy định quyền hạn, trách nhiệm và những điều cấm đối với giáo viên, học sinh, cán bộ quản lý giáo dục để hạn chế tiêu cực.
GS - TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, phát biểu tại hội nghị Ảnh Lê Hiệp
Dẫn chứng vụ gian lận điểm thi tại các địa phương trong thời gian qua, ông Chức cho rằng, luật không nên viết như nghị quyết những điều chung chung về tiêu chuẩn đạo đức, mà cần ghi rõ quyền, trách nhiệm đến đâu và tiếp đó là tiêu chuẩn, tiêu chí để làm cán bộ quản lý giáo dục.
"Quản lý giáo dục là khó nhất vì họ quản lý những "máy cái" đào tạo ra con người, không ra gì là hỏng", ông Chức nói.
Cùng quan điểm, GS - TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng thời gian vừa qua, có nhiều vấn đề nổi cộm trong ngành giáo dục, trong đó có vấn đề bạo lực học đường, thầy cô giáo đánh đập, bạo hành học sinh,… song phần "hơi thở" của cuộc sống này chưa thấy phản ánh trong luật, nhất là trong những hành vi cấm.
"Các hành vi cấm cần nêu rõ giáo viên, học sinh được làm gì, không được làm gì, chứ không thể ghi chung chung", ông Đường nói và cho rằng, không thể ỷ lại vào các quy chế, quy tắc trong nhà trường, vì quy tắc không thể như luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.