Ngày 19.7, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010, và định hướng 2020 (Nghị quyết 54) kết hợp với Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức hội thảo Phát triển công nghiệp và đô thị vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại hội thảo |
Gia Hân |
Nêu ý kiến tại hội nghị, tiến sĩ Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội Khoa học hành chính Việt Nam, kiến nghị tái lập Ban Chỉ đạo liên kết vùng, Hội đồng tư vấn phát triển vùng như trước đây với mục tiêu tăng cường vai trò điều phối liên kết vùng của T.Ư, Chính phủ và phát huy vai trò, thế mạnh của từng địa phương.
Trong đó, Ban Chỉ đạo liên kết vùng sẽ do một lãnh đạo của cơ quan T.Ư làm trưởng ban và thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương có liên quan đến mục tiêu thực hiện liên kết vùng.
Ban Chỉ đạo sẽ được giao một số thẩm quyền nhất định và có nhiệm vụ chỉ đạo, quản lý, điều phối, kiểm tra và quyết định (hoặc trình cấp trên quyết định) các vấn đề quan trọng của phát triển liên kết vùng.
Trong khi đó, Hội đồng tư vấn phát triển vùng khong phải là cấp hành chính mà là một tổ chức được với các thành viên do T.Ư, Chính phủ và các địa phương trong vùng giới thiệu.
“Đó là các nhà quản lý, nhà khoa học, hoặc đại diện các tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gắn với mục tiêu phát triển liên kết vùng. Hội đồng này thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến nhiệm vụ liên kết phát triển kinh tế - xã hội”, ông Tuấn đề xuất.
Điều hành hội thảo, Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Duy Hưng bày tỏ sự quan tâm đến đề xuất mô hình “Hội đồng liên kết vùng” và cho biết sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 54 đã có một số kết quả như vùng nào cũng có những thể chế riêng, đã có một số liên kết hiệu quả như giao thông hay kết nối về du lịch, phòng chống dịch bệnh…
Tuy vậy, theo ông Hưng, các lĩnh vực khác còn cạnh tranh lẫn nhau như đầu tư, thu hút lao động…
“Rất nhiều địa phương kêu về quy định pháp luật đầu tư, chi ngân sách để đầu tư phát triển còn trói buộc”, ông Hưng nói, và dẫn chứng việc Quảng Ninh muốn làm cầu từ Quảng Ninh đi Hải Phòng nhưng không thể làm công trình ở khu vực giữa 2 tỉnh dù đây là công trình cấp bách hay con đường kết nối Bắc Giang với Hà Nội không thể thực hiện.
“Thể chế điều phối hiện vẫn chỉ thu hẹp ở Ban Chỉ đạo. Khi các vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, miền Trung hay đông Nam bộ muốn hiệu quả thì phải đủ thể chế để cho các địa phương liên kết trong vùng. Cần có thể chế vùng đủ mạnh như thế nào để tăng cường hiệu quả để thực hiện nghị quyết vùng. Chứ không 17 năm tới chúng ta lại quay lại tổng kết Nghị quyết 54 “phẩy” vẫn còn vướng mắc”, ông Hưng nói.
Mất thời gian, không hiệu quả
Nêu ý kiến sau đó, Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Lê Văn Nghị lại cho rằng không nên lặp lại “câu chuyện” Ban Chỉ đạo vùng vì “tự nhiên lại tạo ra cấp trung gian, rất mất thời gian mà cuối cùng thì cấp giải quyết vẫn là Chính phủ”.
Hội thảo Phát triển công nghiệp và đô thị vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra tại Bắc Ninh, chiều 19.7 |
gia hân |
Ông Nghị đề xuất lập cơ quan điều phối vùng đặt ngay trong Văn phòng Chính phủ hoặc trực thuộc Chính phủ.
“Như vậy Chính phủ vẫn là điều hành, phân phối nguồn lực cũng như thiết kế cơ chế chính sách. Do đó, tôi không ủng hộ thành lập Ban Chỉ đạo như vậy nhiệm vụ chung chung mà lãnh đạo (Ban chỉ đạo) lại còn kiêm nhiệm nữa thì không hiệu quả, không hiệu lực”, ông Nghị nêu.
Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết thể chế cho liên kết vùng là vấn đề rất khó. Tuy nhiên, nếu như “vẫn làm bài cũ” với mô hình Ban chỉ đạo, Hội đồng vùng thì “có lẽ 17 năm tới ngồi đây bàn câu chuyện này”.
Ông Hưng cho biết, sẽ nghiên cứu thật kỹ vấn đề này để có cơ sở báo cáo Bộ Chính trị trong việc tổng kết Nghị quyết 54.
Bình luận (0)