Đề xuất tăng lương tối thiểu cho người lao động ở mức trên 7-8%

12/04/2022 08:55 GMT+7

Sáng nay 12.4, Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên thứ 2 thảo luận mức lương tối thiểu vùng cho người lao động . Trước phiên họp, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất tăng lương từ 1.7.2020 ở mức trên 7-8%.

Trao đổi với Thanh Niên trước phiên họp sáng nay, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN), cho biết đại diện cho phía người lao động đã chuẩn bị phương án đề xuất mức lương tối thiểu vùng trong thời gian tới.

“Chúng tôi đặt mục tiêu và kỳ vọng sẽ thương lượng được mức lương tối thiểu tăng ở mức từ trên 7 - 8%. Trong bối cảnh 2 năm dịch bệnh Covid-19 kéo dài, người lao động không tăng lương, thu nhập vô cùng khó khăn, sức chịu đựng của họ đã đến ngưỡng”, ông Hiểu bày tỏ.

Ông Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại phiên họp thứ nhất Hội đồng Tiền lương quốc gia ngày 28.3

T.Hằng

Chia sẻ khó khăn với nhiều doanh nghiệp, song lãnh đạo Tổng LĐLĐVN cho rằng, trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tăng liên tục, hình ảnh người lao động những ngày qua xếp hàng từ mờ sáng để chờ rút bảo hiểm xã hội 1 lần là điều rất đáng suy nghĩ để các bên đưa ra mức lương tối thiểu vùng hợp lý.

Ông Hiểu phân tích thêm: “Chúng tôi đề nghị tăng lương cho người lao động ngay từ 1.7.2022 bởi có nhiều lý do. Thứ nhất, Nghị quyết Số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 của Ban Chấp hành T.Ư về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, từ năm 2021. Thứ hai, Việt Nam đã đang chuyển sang giai đoạn phục hồi, phát triển, trong quý 1, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi rất mạnh mẽ. Việc tăng lương vừa để hỗ trợ cho người lao động, vừa là động lực để tăng năng suất lao động, giúp cho doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển mạnh".

Về phía đại diện chủ sử dụng lao động, bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động (VCCI), cho biết quan điểm nếu điều chỉnh thì nên vào đầu năm 2023 vì phù hợp năm tài chính.

“Với doanh nghiệp, đầu năm có một số xáo trộn như tuyển mới công nhân để bù cho số đã nghỉ. Tiền lương điều chỉnh vào thời điểm này có thể giúp doanh nghiệp thu hút và giữ chân lao động để ổn định sản xuất cả năm. Nếu điều chỉnh quá gấp gáp sẽ đẩy doanh nghiệp vào thế khó”, bà Minh nói.

Theo bà Minh, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng không tác động đến toàn bộ lao động, chủ yếu ảnh hưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa - nhóm chịu tiêu cực nhất từ đại dịch và khoảng 10 triệu người ở khu vực quan hệ lao động không bền vững. Nhiều doanh nghiệp đang trả cao hơn mức chung và không phải điều chỉnh lần nữa theo quy định của nhà nước. Nếu điều chỉnh lương tối thiểu vùng chưa chắc tổng thu nhập thực nhận của người lao động sẽ cao lên.

Sau tết Nguyên đán, hàng loạt lao động là F0, F1 khiến sản xuất gián đoạn. Dư âm của các đợt dịch trước có thể kéo dài hết năm, do đó doanh nghiệp cần thêm thời gian phục hồi. VCCI cũng cần trao đổi thêm với các hiệp hội để khảo sát cụ thể về khả năng chi trả cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm của doanh nghiệp.

Phiên họp sáng Hội đồng Tiền lương quốc gia dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Lê Văn Thanh. Dự kiến tại cuộc họp này, đại diện cho người lao động là Tổng LĐLĐVN và đại diện cho chủ sử dụng lao động là Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam sẽ đưa ra các phương án của mình để thương lượng về việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động tại doanh nghiệp.

Nếu không đạt được kỳ vọng, rất có thể Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ phải nhóm họp thêm phiên thứ ba để các bên tiếp tục thương lượng trước khi đi đến thống nhất phương án để trình Thủ tướng Chỉnh phủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.