Đề xuất tăng phí 'cứu’ doanh nghiệp BOT: Thời điểm không phù hợp

13/05/2020 11:23 GMT+7

Các doanh nghiệp vận tải và hiệp hội vận tải đều khẳng định, việc tăng phí BOT sẽ khiến khó khăn của ngành vận tải thêm chồng chất. Đề xuất tăng phí BOT vì dịch Covid-19 là không phù hợp.

Liên quan đến đề xuất tăng phí BOT của Bộ GTVT để hỗ trợ các dự án BOT gặp khó khăn, theo ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần vận tải, thương mại và dịch vụ Đất Cảng (doanh nghiệp chuyên tuyến Hà Nội - Hải Phòng), hiện sản lượng khai thác của doanh nghiệp này chỉ đạt 30% so với lúc trước dịch Covid-19, tần suất hoạt động cũng giảm 50 - 60% khiến gần một nửa lượng xe phải nằm không hoặc hoạt động cầm chừng.
“Sản lượng giảm khiến chi phí BOT hiện đang chiếm tới 40% chi phí cố định của chúng tôi. Đơn cử, doanh thu 1 chuyến xe đạt 1 triệu đồng thì phí BOT đã “ăn” tới 400.000 đồng”, ông Hải nói và cho rằng, nếu bây giờ tăng phí BOT sẽ cực kỳ khó khăn. Không thể vì khó khăn của một số nhà đầu tư BOT mà đẩy khó cho cộng đồng doanh nghiệp vận tải. Nếu tăng phí vào giai đoạn bình thường, lưu lượng hàng hóa, kinh tế phục hồi thì người dân, doanh nghiệp có thể chấp nhận được, nhưng hiện tại là rất khó.
Dưới góc độ hiệp hội, theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, hiện chi phí sử dụng đường bộ trong giá thành vận tải ở mức rất cao, với các đơn vị làm vận tải đường dài, chi phí này chiếm trung bình tới 15 - 20% chi phí kinh doanh vận tải, chỉ sau chi phí xăng dầu.
“Tăng phí BOT sẽ cấu thành vào giá vận tải, tăng giá cước, ảnh hưởng đến giá hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như các loại hàng hóa, sản phẩm dịch vụ trong nước”, ông Quyền nói.
Theo chuyên gia này, Bộ GTVT có cái khó là đã ký hợp đồng với doanh nghiệp BOT, nếu không cho tăng phí là vi phạm hợp đồng.
“Theo quan điểm của Hiệp hội, phải xem xét có lý, phù hợp với thực tiễn, rà soát với những công trình đã quy định mức phí cao, thời gian thu phí ngắn thì nên có chủ trương điều chỉnh tăng thời gian thu phí và giữ mức phí hiện tại. Những dự án mức phí thấp so với mặt bằng chung thì nên xem xét, cân nhắc kỹ”, ông Quyền nói.
Lãnh đạo Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng nhấn mạnh, đề xuất tăng phí BOT vì dịch Covid-19 là không phù hợp, Bộ GTVT nên chọn thời điểm phù hợp hơn khi kinh tế trở lại gần như bình thường, hoạt động vận tải ổn định, do đó, nên thận trọng tính thời điểm đề xuất.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp BOT đang gặp nhiều khó khăn, Bộ GTVT vừa đề xuất Chính phủ các giải pháp hỗ trợ.
Về phí, Bộ GTVT đề xuất 2 phương án thu phí. Theo đó, phương án 1 cho phép tăng phí theo hợp đồng dự án, giao Bộ GTVT lựa chọn thời điểm phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng chi phí vận tải.
Phương án 2 giữ nguyên mức phí, chỉ tăng theo lộ trình đã ký trong hợp đồng dự án từ năm 2022. Song, nhà nước phải bố trí khoảng 5.080 tỉ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá.
Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận phương án 1 do không phải bố trí ngân sách nhà nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.