Theo dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam trình tại kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV (dự thảo 4), Chính phủ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội ở hầu hết cấp bậc quân hàm, trừ cấp tướng.
Cụ thể, với cấp úy, hạn tuổi cao nhất của sĩ quan tại ngũ (tuổi nghỉ hưu) tăng từ 46 tuổi lên 50 tuổi. Thiếu tá từ 48 tuổi lên 52 tuổi. Trung tá từ 51 tuổi lên 54 tuổi. Thượng tá từ 54 lên 56 tuổi. Đại tá từ 57 tuổi (đối với nam) và 55 tuổi (đối với nữ) lên 58 tuổi (không phân biệt nam, nữ).
Cấp tướng vẫn giữ nguyên là 60 tuổi đối với nam, đối với nữ tăng từ 55 tuổi lên 60 tuổi.
Dự thảo luật cũng quy định, khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 5 năm.
Sĩ quan là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, dược sĩ chuyên khoa 2, tổng công trình sư, nhà khoa học đầu ngành, sĩ quan được đào tạo chuyên sâu, đặc thù hoặc trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn theo quy định của bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Về tuổi nghỉ hưu của sĩ quan dự bị (gồm những sĩ quan thuộc lực lượng dự bị động viên được đăng ký, quản lý, huấn luyện để sẵn sàng huy động vào phục vụ tại ngũ) cũng được đề xuất tăng lên.
Cụ thể, tuổi nghỉ hưu của cấp úy sĩ quan dự bị tăng từ 51 lên 53 tuổi. Thiếu tá từ 53 lên 55 tuổi. Trung tá từ 56 lên 57 tuổi. Thượng tá từ 57 lên 59 tuổi. Đại tá từ 60 lên 61 tuổi. Cấp tướng giữ nguyên mức 63 tuổi.
Đối với chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã hạn tuổi phục vụ cao nhất thực hiện theo quy định của bộ luật Lao động.
Giữ nguyên số lượng tối đa 415 tướng
Đối với cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan, dự thảo luật đề xuất, cấp quân hàm đại tướng số lượng không quá 3, bao gồm các chức vụ: bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tổng tham mưu trưởng, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Thượng thướng, đô đốc hải quân, số lượng không quá 14, gồm: thứ trưởng Bộ Quốc phòng có cấp bậc quân hàm cao nhất là thượng tướng, đô đốc hải quân không quá 6.
Phó tổng tham mưu trưởng, phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, mỗi chức vụ có cấp bậc quân hàm cao nhất là thượng tướng không quá 3. Ngoài ra, còn có giám đốc, chính ủy Học viện Quốc phòng.
Các chức vụ, chức danh có cấp bậc quân hàm cao nhất là trung tướng, phó đô đốc hải quân, thiếu tướng, chuẩn đô đốc hải quân; số lượng không quá 398.
Tổng số cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng tối đa là 415, giữ nguyên theo như luật hiện hành.
Các chức vụ, chức danh từ phó tư lệnh, phó chính ủy binh chủng; phó tư lệnh, phó chính ủy vùng hải quân tới trung đội trưởng (quy định từ điểm h tới điểm r, điều 11 của luật về chức vụ của sĩ quan), có cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp tá, cấp úy.
Dự thảo luật cũng đề nghị, sĩ quan quân đội biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ tổng cục trưởng hoặc tương đương có cấp bậc quân hàm cao nhất là thiếu tướng.
Sĩ quan quân đội biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ thứ trưởng hoặc tương đương có cấp bậc quân hàm cao nhất là trung tướng.
Sĩ quan quân đội biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội có cấp bậc quân hàm cao nhất là thượng tướng.
Chính phủ quy định cụ thể vị trí có cấp bậc quân hàm cao nhất là trung tướng, thiếu tướng và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại, bổ sung chức năng, nhiệm vụ nhưng không vượt quá số lượng tối đa vị trí cấp tướng theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Bình luận (0)