Đề xuất thành lập phiên tòa lâm thời xem xét lại quyết định giám đốc thẩm

27/05/2020 07:35 GMT+7

Trong thảo luận, thủ tục xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TAND tối cao được nhiều đại biểu quan tâm và đề xuất sửa đổi trong bộ luật Tố tụng hình sự.

Ngày 26.5, tại buổi tọa đàm về “Một số thủ tục trong tố tụng hình sự trong các vụ án”, do Khoa Luật Trường đại học Văn Lang tổ chức, các đại biểu là chuyên gia luật đã đặt ra các vấn đề: chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự; sai sót nào là vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng; bản án có hiệu lực pháp luật từng không bị kháng nghị, nay lại bị kháng nghị có hợp pháp... để thảo luận.
Trong thảo luận, thủ tục xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TAND tối cao được nhiều đại biểu quan tâm và đề xuất sửa đổi trong bộ luật Tố tụng hình sự. Cụ thể, theo điều 404 bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, nếu có căn cứ xác định quyết định giám đốc thẩm của HĐTP TAND tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định giám đốc thẩm, thì các cơ quan gồm Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND tối cao sẽ có quyền kiến nghị và yêu cầu xem xét lại quyết định giám đốc thẩm. Khi đó, HĐTP TAND tối cao sẽ mở phiên họp để xem xét lại quyết định giám đốc thẩm. Các đại biểu đánh giá quy định thủ tục đặc biệt để xem xét lại quyết định giám đốc thẩm thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng sự thật khách quan vụ án, song cũng tiếp tục băn khoăn “phiên họp xem xét lại quyết định giám đốc thẩm lại do chính các HĐTP TAND tối cao ngồi phiên xét xử giám đốc thẩm, thì liệu có khách quan”.
Luật sư Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đề xuất nên chăng khi tới giai đoạn thủ tục đặc biệt theo điều 404 thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thành lập phiên tòa lâm thời đặc biệt, trong đó cơ quan này sẽ lựa chọn thành viên phiên họp để xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của HĐTP TAND tối cao. Một số đại biểu cho rằng khi thành lập phiên tòa lâm thời đặc biệt, thành viên phiên tòa sẽ bao gồm các chuyên gia pháp luật đầu ngành trong lĩnh vực tư pháp từ Bộ Tư pháp, hoặc Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội...
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.