Đề xuất thì dễ...

24/06/2021 04:39 GMT+7

Đề xuất giảm lãi tiền gửi xuống 0% của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đang gặp phản ứng của hầu hết mọi người.

Từ giới chuyên gia, người gửi tiền thì đương nhiên vì bị thiệt hại, nhưng ngay cả ngân hàng, mới nghe tưởng được hưởng lợi cũng không đồng tình.
Đề xuất này đến từ mong muốn của VAFI giảm gánh nặng chi phí vay cho doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh. Mà muốn giảm lãi vay thì phải giảm lãi suất huy động. Logic thì như vậy nhưng lãi suất đầu vào giảm, đầu ra có giảm hay không? Hoặc nếu giảm thì mức giảm có tương ứng với mức giảm của tiết kiệm hay không thì VAFI không thể biết, và có lẽ cũng không ai có thể chắc chắn.
Mục tiêu thì không biết có đạt được hay không nhưng hệ quả thì cầm chắc. Đầu tiên là người gửi tiền chịu thiệt. Mà người gửi tiền chấp nhận lãi suất tiền gửi bằng 0% là ai? Là những cụ hưu trí, những người lao động góp nhặt từ thu nhập hạn hẹp của mình vốn lâu nay coi ngân hàng (NH) là kênh đầu tư duy nhất. Còn những đối tượng khác, chắc chắn sẽ chuyển ngang sang vàng, chứng khoán hay bất động sản. Điều này đã được chứng minh trên thực tế khi giải pháp giảm lãi suất tiết kiệm đã được các nhà băng thực hiện nhiều lần trong suốt gần 2 năm đại dịch.
Thế nên vốn vào chứng khoán thời gian qua tăng kỷ lục trong khi tiền gửi NH lại giảm mạnh. Số liệu mới nhất của NH Nhà nước cho thấy, tiền gửi cư dân chỉ tăng 120.000 tỉ đồng trong 4 tháng đầu năm nay, thấp nhất trong 6 năm và chỉ bằng một nửa so với trước khi có dịch.
Nếu giảm về 0%, khả năng người dân ùn ùn rút tiền là hoàn toàn có thể xảy ra. Khi đó, ai đảm bảo vốn cho sản xuất kinh doanh? Chưa kể các hệ lụy khác như kích thích đầu cơ, tín dụng đen, thậm chí là chạy đua lách luật để huy động vốn giữa các nhà băng...
Mỗi tổ chức, mỗi đơn vị đều có quan điểm, lý lẽ, cái nhìn riêng của mình. Nhưng đứng ở bất cứ góc độ nào thì chúng ta vẫn phải dựa trên nền tảng là Việt Nam đã và vẫn trong giai đoạn khuyến khích người dân gửi tiết kiệm. Bởi tiền gửi tiết kiệm là nguồn lực đầu vào quan trọng và chủ yếu của các NH thương mại, rồi từ hệ thống này mới chảy tới sản xuất, kinh doanh.
Dù chứng khoán đã tăng trưởng khá mạnh những năm gần đây nhưng vốn vay của các DN và cả nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào các NH với tỷ lệ khoảng 80%. Nên đề xuất, kiến nghị gì vẫn phải dựa trên cái gốc này, nếu thực sự muốn góp một giải pháp hiệu quả.
Nói đi thì cũng phải nói lại, chi phí vay vẫn đang là gánh nặng với hầu hết các DN. Và đây chính là xuất phát điểm cho các đề xuất dù hợp lý, hợp tình hay chưa. Nghịch lý DN khó khăn, phá sản trong khi NH lãi lớn cũng được các đại biểu Quốc hội đặt ra mới đây, gây bức xúc cho rất nhiều người.
Vấn đề là khi các nhà băng còn bỏ túi lợi khủng thì tại sao không giảm thẳng lãi vay mà phải đánh vào túi tiền của người gửi bằng việc đưa lãi suất về 0%? Đừng lập luận rằng giảm lãi vay rốt cuộc NH cũng giảm lãi suất tiết kiệm. Điều đó có thể xảy ra nhưng các nhà băng sẽ phải tính toán để giữ chân khách hàng vì đây chính là nguồn lực để họ duy trì hoạt động kinh doanh của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.