Đây là vấn đề đang nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT), cho biết đơn vị này vừa báo cáo Bộ Công an đề xuất Chính phủ cho thí điểm xử phạt vi phạm giao thông được phát hiện qua hệ thống giám sát mà không cần phải lập biên bản vi phạm. Đề xuất này xuất phát từ xu hướng của thế giới cũng như thực tiễn việc xử lý vi phạm giao thông hiện nay.
“Việc xử lý không qua khâu đoạn lập biên bản là rút ngắn các giai đoạn và giúp tiết kiệm thời gian đi lại của người dân. Trừ trường hợp lỗi vi phạm mà mức phạt tiền lớn hoặc buộc tước giấy phép lái xe, giữ xe thì buộc người vi phạm giải trình và ra quyết định xử phạt sau”, đại tá Nhật nói và cho biết thêm: trường hợp người vi phạm không đóng phạt nguội theo quyết định, thì cơ quan nhà nước có nhiều biện pháp để cưỡng chế như cấn trừ tài khoản, hoặc sẽ cập nhật trên hệ thống để quản lý công dân và sẽ có nhiều biện pháp chế tài khác.
“Tuy nhiên, đề xuất này mới chỉ là quan điểm của Cục CSGT, Bộ Công an còn nghiên cứu, cân nhắc kỹ mới đề xuất cụ thể lên Chính phủ, bởi việc xử lý vi phạm là quy định pháp luật phải được xem xét chặt chẽ, đúng trình tự”, đại tá Nhật cho hay.
Camera giao thông trên đường Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) |
Ngọc Dương |
Chứng cứ trực tiếp là quan trọng nhất
Trao đổi thêm với Thanh Niên, một lãnh đạo Cục CSGT cho biết, hình ảnh vi phạm ghi nhận qua hệ thống giám sát chính là chứng cứ trực tiếp để phạt nguội người vi phạm. Khi đó, cơ quan thẩm quyền chỉ cần căn cứ vào chứng cứ trực tiếp này, và xác minh ai là người điều khiển xe lúc đó cùng các tình tiết khác để xử phạt, không cần lập biên bản. Bởi việc lập biên bản chỉ là ghi nhận việc vi phạm rồi xác minh các bước tiếp theo để xử phạt.
Vị lãnh đạo Cục CSGT cho biết hiện nhiều nước trên thế giới đã áp dụng việc xử phạt như trên, tức không cần biên bản mà phạt nguội thông qua chứng cứ trực tiếp là các phương tiện giám sát.
Ví dụ, người có thẩm quyền xử lý vi phạm sẽ gửi vé phạt về đúng địa chỉ chủ xe. Chủ xe có trách nhiệm, ý kiến vào đó, và xác định thời điểm đó ai là người điều khiển xe và chủ xe phải chịu trách nhiệm lỗi nếu xe cho mượn. Từ đó, người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt. Nếu người bị xử phạt không đồng ý thì có quyền khởi kiện ra tòa.
Sẽ tiết kiệm thời gian, bớt nhũng nhiễu ?
Theo các chuyên gia pháp lý, tất cả từ việc phát hiện, xử lý vi phạm giao thông qua phương tiện công nghệ sẽ có rất nhiều ưu điểm: nhanh, tiết kiệm thời gian, bớt nhũng nhiễu trên đường khi phát hiện xử lý vi phạm. Đây là xu hướng tất yếu nhưng phải nghiên cứu tính đồng bộ và giải pháp cụ thể.
Là người từng có nhiều năm sống và học tập tại Úc, luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ninh) cho biết tại nước này việc xử lý vi phạm giao thông rất nhanh gọn. “Khi cảnh sát ghi hình lại được vi phạm, hệ thống đánh mã số biển số xe thì xác minh ra luôn chủ xe, sau đó gửi thông báo vi phạm và hình thức xử phạt, gửi qua thư hoặc email trong thời gian khoảng 5 ngày”, luật sư Phất cho hay.
Cũng tại Úc, cơ quan xử lý vi phạm giao thông có riêng một website, trong đó có thông tin hướng dẫn thủ tục xử phạt cũng như khiếu nại, cơ sở dữ liệu có cả hình ảnh vi phạm cho người vi phạm. Trong thông báo có mã số riêng để đăng nhập chứ không phải ai cũng xem được.
“Trong trường hợp vi phạm là xe tôi, nhưng thời điểm đó người khác lái, vì vậy phải xử phạt người điều khiển chứ không phải chủ xe. Họ sẽ dành thời gian 5 ngày để thay đổi người vi phạm và bị xử phạt, để buộc chủ xe phải nắm được thông tin của người mượn xe hoặc thuê xe. Nếu chủ xe không có thông tin căn bản, thì mặc định chủ xe phải nộp phạt thay người lái xe vi phạm. Thủ tục đề nghị tòa án xem xét quyết định gồm: Khiếu nại hoặc giải trình lý do trong tình huống đó bắt buộc phải vi phạm. Sau khi xem xét thì một là giữ nguyên quyết định, hai là cảnh cáo, ba là bỏ quyết định xử phạt”, luật sư Phất cho biết.
Trong khi đó, với quy định xử phạt vi phạm giao thông của VN hiện nay, luật sư Phất cho rằng có nhiều điểm không khớp giữa luật và thực tiễn, gây khó cho người tham gia giao thông. Cụ thể, luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định việc phát hiện bằng phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ nhưng vẫn cứ lập biên bản.
“Biên bản nhằm mục đích xác định căn cứ vi phạm, nhưng khi cơ quan chức năng có căn cứ khác tốt hơn rồi thì cần gì, chưa kể việc lập biên bản còn làm khó cho người vi phạm. Chẳng hạn một người ở Hà Nội đi chơi ở Sa Pa vi phạm thì họ phải đi lại cả trăm cây số để được lập biên bản, đây là thừa vì hành vi đã phát hiện rồi”, luật sư Phất lập luận.
Phải sửa luật
TS Cao Vũ Minh (giảng viên Đại học Luật TP.HCM) cho hay, muốn phạt nguội không cần lập biên bản thì cơ quan nhà nước phải sửa luật Xử lý vi phạm hành chính, bởi hiện nay mọi trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì đều phải lập biên bản. Ngoài ra, cần công khai thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để người dân cùng giám sát. Chẳng hạn, tại vị trí, tuyến đường lắp camera giám sát, lực lượng chức năng phải có thiết bị đúng quy chuẩn, có trùng tu bảo dưỡng đúng kỹ thuật để đảm bảo việc ghi hình chính xác.
Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản
Theo điều 56, luật Xử lý vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức; và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.
Bên cạnh đó, TS Minh cho rằng việc xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản hay không thì vẫn phải cần tính đến sự hiệu quả, dễ thực thi và bảo đảm quyền của người bị xử phạt. Đơn cử, trong trường hợp không lập biên bản thì người dân vẫn phải được bảo đảm quyền được trình bày, giải trình lỗi vi phạm hoặc chứng minh mình không vi phạm hành chính.
“Tuy nhiên, để tiến tới xử phạt không cần lập biên bản thì đầu tiên phải sửa luật. Hơn nữa, muốn thí điểm thì Quốc hội phải ban hành một nghị quyết để thí điểm. Đồng thời, cơ sở vật chất phải kết nối bằng phương tiện điện tử”, TS Minh nhấn mạnh.
Bình luận (0)