Sáng 13.2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp để cho ý kiến tờ trình của Chính phủ về dự thảo nghị quyết thí điểm chính sách tháo gỡ vướng mắc cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia (dự thảo). Đây là nội dung mới được đưa vào chương trình kỳ họp bất thường thứ 9 đang diễn ra.

Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên họp
ẢNH: GIA HÂN
Tại dự thảo, Chính phủ đề xuất giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn cho các tổ chức nghiên cứu khoa học, công nghệ.
Cùng đó, Chính phủ cũng đề xuất bổ sung quy định cho phép viên chức, viên chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học, công nghệ công lập được tham gia góp vốn, quản lý, điều hành doanh nghiệp do tổ chức đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức đó tạo ra khi được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức.
Dự thảo cũng đề xuất các quy định về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, công nghệ. Theo đó, sẽ miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, không phải trả lại kinh phí đã sử dụng.
Về tài chính, Chính phủ đề xuất áp dụng khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, bao gồm cả nội dung khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Cùng đó, quy định kinh phí nhà nước cấp cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông qua quỹ thay vì cơ chế dự toán ngân sách như hiện nay.
Theo đó, kinh phí nhà nước cấp hằng năm cho quỹ khoa học, công nghệ bao gồm kinh phí cho các nhiệm vụ mở mới và chuyển tiếp, được cấp bằng lệnh chi tiền vào tài khoản tiền gửi của quỹ tại Kho bạc nhà nước.
Ngoài các quy định về cơ chế, chính sách, Chính phủ đề nghị nhiều ưu đãi thuế cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cụ thể, quy định các khoản đầu tư, tài trợ của doanh nghiệp cho các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.
Cùng đó, các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập khác từ thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước là các khoản thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết
ẢNH: GIA HÂN
Được sử dụng kết quả nghiên cứu để góp vốn liên doanh, liên kết
Về tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học, công nghệ, Chính phủ đề xuất giao các tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học, công nghệ có quyền quản lý, sử dụng, quyền sở hữu kết quả của nhiệm vụ để thương mại hóa, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Tổ chức chủ trì nhiệm vụ có quyền chuyển nhượng, cho thuê, chuyển giao quyền sử dụng đối với tài sản hình thành từ kết quả của việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ; được sử dụng kết quả nghiên cứu để góp vốn liên doanh, liên kết, thương mại hóa.
Dự thảo do Chính phủ trình cũng quy định cụ thể về việc góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
Về chuyển đổi số, Chính phủ đề xuất cơ chế cho phép sử dụng ngân sách T.Ư để thực hiện đầu tư, xây dựng nền tảng số quy mô quốc gia, quy mô vùng sử dụng chung cho các cơ quan, tổ chức.
Cho phép sử dụng nguồn thu từ cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện giai đoạn 2024 - 2027 để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G.
Chính phủ cũng đề xuất hỗ trợ một số dự án công nghệ số có tính chất đặc biệt như lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; xác định rõ đầu mối thực hiện; nguồn vốn.
Cùng đó, Chính phủ cũng đề xuất người đứng đầu cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức tham gia xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách quy định tại nghị quyết nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu khi triển khai nghị quyết xảy ra các hành vi, tác động tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí.
Bình luận (0)