Đề xuất trả tiền cho giảng viên mời gọi thí sinh vào học thạc sĩ!

08/11/2019 08:03 GMT+7

Thống kê của Bộ GD-ĐT trong năm học 2017 - 2018 cho thấy số lượng tuyển sinh mới trình độ thạc sĩ vào các cơ sở giáo dục ĐH tư thục tăng trên 70% trong khi trường công lập giảm 1,6%. Vì vậy đã có ý kiến 'tặng' tiền cho giảng viên để mời gọi học viên.

 

3 năm có 1 học viên trúng tuyển

Tại hội thảo công tác tuyển sinh sau ĐH - thực trạng và giải pháp diễn ra tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM sáng 6.11, theo tiến sĩ Dương Minh Quang, Phó trưởng khoa Giáo dục Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thống kê từ Bộ GD-ĐT trong năm học 2017 - 2018 cho thấy số lượng tuyển sinh mới trình độ thạc sĩ trên 45.000 người (tăng 7,6% so với trước đó). Đáng chú ý, người ở các cơ sở giáo dục ĐH công lập trên 39.000 (giảm 1,6% so với năm trước đó). Trong khi cơ sở ĐH tư thục tăng tới trên 70% (với 5.763 người).
Từ số liệu này, ông Quang cho rằng đây là điều đáng báo động và sự cạnh tranh rất lớn cho các cơ sở công lập. Do đó, các trường công cần chủ động và linh hoạt hơn trong công tác tuyển sinh sau ĐH.
Ông Quang cũng công bố những số liệu riêng của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM để cho thấy những khó khăn nhất định ở một số ngành đào tạo. “Mặc dù nhìn vào số liệu vẫn thấy trường đang duy trì số lượng nhưng nhiều ngành khó khăn, một số ngành đang có dấu hiệu sụt giảm số lượng trúng tuyển. Các ngành được lựa chọn nhiều qua các năm như lý luận và phương pháp giảng dạy tiếng Anh, ngành có tốc độ tăng liên tục như quan hệ quốc tế, nhưng nhiều ngành khó tuyển như: dân tộc học, khảo cổ học, ngôn ngữ Nga, văn học nước ngoài...”, ông Quang nói.
Theo số liệu thống kê từ Phòng Sau ĐH của trường này, có thể thấy trên chục ngành có số thí sinh trúng tuyển cao học mỗi năm dưới 10 người, nhiều ngành chỉ có 1 - 3 học viên. Đáng chú ý, ngành khảo cổ học 2 năm liên tục 2016 và 2017 không có thí sinh trúng tuyển, năm 2018 có 2 người. Dân tộc học trong 3 năm chỉ có 1 người trúng tuyển.
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM hiện tuyển sinh 30 ngành thạc sĩ, 15 ngành tiến sĩ trong nước và 2 chương trình thạc sĩ liên kết với nước ngoài. Thạc sĩ Phạm Trường Thọ, Phó trưởng phòng Sau ĐH, thông tin thêm khoảng 5 năm gần đây số lượng dự tuyển bậc sau ĐH ngày càng thấp (dưới 1.000 thí sinh/năm), số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển có dấu hiệu bão hòa.

Tới tận huyện liên kết đầu vào?

Phát biểu tại hội thảo, thượng tá - tiến sĩ Hà Trọng Thà, Phó trưởng phòng Công tác Đảng, Công tác chính trị và Công tác quần chúng, Trường ĐH An ninh nhân dân, đã có những phân tích sâu về nguyên nhân thực trạng trên.
Theo ông Thà, nhu cầu người học từ năm 2015 đến nay có xu hướng bão hòa, nguyên nhân do tinh giản cán bộ và thay đổi trong chính sách tuyển dụng ở các đơn vị sử dụng lao động. Trong các cơ sở tuyển dụng việc học tập nâng cao trình độ không còn nhu cầu cấp thiết. “Sinh viên hiện nay ra trường có xu hướng đi làm để kiếm được tiền ngay. Thậm chí còn có doanh nghiệp chỉ thu nạp người tốt nghiệp CĐ, không nhận ĐH và sau ĐH để trả lương thấp”, ông Thà dẫn chứng.
Bên cạnh đó, theo ông Thà, do sự cạnh tranh của các trường với nhau. Một số trường phía bắc, miền Trung nhưng vào tận trong này tuyển sinh với nhiều chiêu trò. “Có trường liên kết với tỉnh, thậm chí xuống tận huyện liên kết đầu vào. Khi đó, nếu trường chỉ chờ chất lượng, uy tín để người học đến với mình là rất khó”, ông Thà nói.
Còn theo tiến sĩ Dương Minh Quang, nguyên nhân các trường tuyển sinh giảm là do các chính sách đãi ngộ học viên chưa hấp dẫn, chương trình chậm đổi mới, chưa cập nhật linh hoạt với thị trường lao động. Trong khi đó, một số trường khác trong và ngoài nước hiện chỉ xét tuyển hồ sơ và phỏng vấn, thậm chí xét tuyển trực tuyến.

Trả 1 triệu đồng nếu giảng viên mời gọi được 1 học viên

Nhiều giải pháp đã được đưa ra thảo luật trong buổi hội thảo này. Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng chính các khoa cần phải thay đổi cách thức tuyển sinh sau ĐH. Theo ông Điệp, cách thức tuyển sinh cao học hiện tại đang có vấn đề vì người để động viên, khuyến khích thí sinh vào học chính là giảng viên.
Ông Điệp đề xuất cần có chế độ cho các giảng viên thực hiện nhiệm vụ này. Chẳng hạn, mỗi học viên cao học vào học tại khoa sẽ được trường trả cho thầy cô mời gọi 1 triệu đồng. Chỉ như vậy mới không còn tình trạng một khoa chỉ có 1 - 2 học viên.
Còn theo tiến sĩ Hà Trọng Thà, các trường cần tăng cường tư vấn tuyển sinh bằng nhiều cách từ mạng xã hội, phát huy công nghệ thông tin trong tư vấn tuyển sinh. Tuy nhiên, ông Thà nhấn mạnh: “Chúng ta phải làm thế nào để không ảnh hưởng chất lượng, vì cái của mình là uy tín và chất lượng mà giảm đi để đánh đồng với trường khác là không ổn”.
Tiến sĩ Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Sau ĐH, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng nói: “Chúng ta phải khẳng định chất lượng là quan trọng, không thể đánh đổi số lượng cho chất lượng”. Theo ông Thắng, cần kêu gọi các thầy cô tham gia sâu hơn nữa công tác tuyển sinh sau ĐH, đặc biệt là từ những sinh viên tốt nghiệp tại trường. Mỗi năm trường có trên 3.000 người tốt nghiệp bậc ĐH, nếu có khoảng 20% trong số này tiếp tục học cao hơn thì con số cũng lên tới 600 -700 người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.