Đề xuất xây dựng Quỹ hỗ trợ tài chính quốc gia cho nhà giáo

20/11/2024 09:39 GMT+7

Cần xem xét ban hành chính sách ưu đãi về tài chính cho nhà giáo, xây dựng Quỹ hỗ trợ tài chính quốc gia cho giáo viên trẻ, giáo viên các môn đặc biệt, tài năng, công tác vùng đặc biệt…

Đề xuất xây dựng Quỹ hỗ trợ tài chính quốc gia cho nhà giáo- Ảnh 1.

PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình, Viện trưởng Viện Phát triển chính sách ĐH Quốc gia TP.HCM, trình bày nghiên cứu

ẢNH: ĐH QUỐC GIA TP.HCM

Đó là đề xuất của Viện Phát triển chính sách ĐH Quốc gia TP.HCM về những chính sách thiết thực liên quan đến nhà giáo trên cơ sở kết quả "Nghiên cứu đời sống giáo viên tại tỉnh Bình Thuận, Tây NinhHậu Giang".

Đảm bảo tính khả thi chính sách tiền lương và phụ cấp nhà giáo

Trong khuôn khổ đề án "Nghiên cứu đời sống của giáo viên khu vực Nam bộ: Thực nghiệm tại tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh và Hậu Giang", Viện Phát triển chính sách ĐH Quốc gia TP.HCM đã tiến hành nghiên cứu, phỏng vấn 132 nhà quản lý giáo dục, giáo viên các cấp và khảo sát diện rộng 12.505 giáo viên thuộc 3 địa phương trên trong tháng 9, tháng 10 vừa qua. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhiều thông tin quan trọng liên quan đến thu nhập, đời sống, áp lực, động lực theo nghề của giáo viên.

Báo Thanh Niên trân trọng chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

Trên cơ sở đó, Viện Phát triển chính sách ĐH Quốc gia TP.HCM đã nêu ra những đề xuất trực tiếp liên quan đến tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo.

Theo đề xuất này, dự thảo luật Nhà giáo đã xác định "lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp". Nhiều thầy, cô được phỏng vấn rất phấn khởi cho rằng đây là quy định đột phá, góp phần gia tăng thu nhập cho nhà giáo, nhất là nhà giáo trẻ, nhà giáo hệ mầm non, giúp họ yên tâm công tác và cống hiến cho giáo dục. Tuy nhiên, nhiều thầy cô cũng lo ngại sẽ chậm triển khai chủ trương đó trên thực tế do thiếu nguồn lực.

"Chính vì vậy, theo chúng tôi, để đảm bảo tính khả thi trên thực tế cần phải đánh giá tổng thể về khả năng nguồn lực triển khai và đặt trong mối quan hệ với tiến trình về cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW", nhóm nghiên cứu kiến nghị.

Đề xuất xây dựng Quỹ hỗ trợ tài chính quốc gia cho nhà giáo- Ảnh 2.

Kết quả khảo sát mong muốn của nhà giáo về các chính sách

Đề xuất về chế độ nghỉ hưu với nhà giáo

Về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo, nhóm nghiên cứu tán đồng với đề xuất dự thảo luật Nhà giáo: "Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non, trường lớp dành cho người khuyết tật có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi".

Tuy nhiên, cần cân nhắc thêm các điều kiện để giáo viên các cấp còn lại được nghỉ hưu sớm hơn so với tuổi nghỉ hưu hiện hành tùy thuộc vào sức khỏe và tâm tư nguyện vọng và được nghỉ việc không hưởng lương đến tối đa 5 năm khi đủ điều kiện đóng bảo hiểm xã hội, nhưng được phép tìm kiếm công việc khác phù hợp hơn với cá nhân để có chi phí sinh hoạt mà không phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, cần xem xét ban hành chính sách về ưu đãi về tài chính (vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi dựa vào thâm niên công tác hoặc cam kết số năm công tác đối với giáo viên trẻ). Xây dựng Quỹ hỗ trợ tài chính quốc gia cho giáo viên trẻ, giáo viên các môn đặc biệt, tài năng, công tác ở vùng đặc biệt…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.