'Đề xuất xây dựng Thanh Hóa - Nghệ An thành vùng động lực'

07/01/2023 10:48 GMT+7

Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội, đề nghị bổ sung thêm vùng động lực Thanh Hóa - Nghệ An bên cạnh 4 vùng động lực đã được Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định.

Quy hoạch tổng thể quốc gia phải như "người lính mở đường"

Sáng 7.1, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2050.

Đại biểu Trịnh Xuân An nêu ý kiến tại Quốc hội sáng 7.1

gia hân

Nêu ý kiến, đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh, cho rằng Quy hoạch tổng thể quốc gia phải như “người lính mở đường”, tạo động lực phát triển nhưng cũng phải khả thi, hiệu quả, dễ đọc, dễ nhớ, dễ làm, cũng dễ đánh giá, giám sát.

Nhấn mạnh tính khả thi của Quy hoạch tổng thể quốc gia phụ thuộc vào phương pháp làm, ông An góp ý: Quy hoạch tổng thể quốc gia không phải bản tập hợp hay phép cộng đơn giản các quy hoạch thành phần, cũng không phải nhắc lại một cách cơ học chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội Đảng XIII thông qua.

Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng không nên quy định quá chi tiết mục tiêu cụ thể, mà chỉ nên nêu khái quát, giới hạn tối đa hoặc tối thiểu chỉ tiêu để các ngành, địa phương có căn cứ xây dựng các chỉ tiêu tại quy hoạch cấp thấp hơn một cách phù hợp.

Từ đó, ông An đề xuất, với những mục tiêu nhà nước có thể đầu tư, bảo đảm khả thi và đáp ứng các định hướng chiến lược cho đất nước thì có thể đặt các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể mang tính pháp lý, tức là “quy hoạch cứng” như nội dung liên quan tới đất đai, giao thông, năng lượng, quốc phòng an ninh… Còn các vấn đề có thể xã hội hóa được thì nên xác định là “quy hoạch mềm”.

Quy hoạch tổng thể quốc gia trình Quốc hội quy định phát triển 4 vùng động lực, gồm: vùng động lực phía bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); vùng động lực phía nam (TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu); vùng động lực miền Trung (khu vực ven biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi) và vùng động lực Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Trịnh Xuân An đề nghị bổ sung thêm vùng động lực Thanh Hóa - Nghệ An.

“Đây là 2 địa bàn phát triển thời gian qua. Tôi đề nghị bổ sung thêm vùng động lực này”, ông An nói.

Liên kết vùng phải thực chất, khắc phục cục bộ địa phương

Đại biểu Trần Quốc Tuấn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh, đề nghị khi xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia không nên xa rời thực tiễn và phải dự báo chính xác cao nhất để không gặp phải các hệ lụy như vấn đề tắc nghẽn, ngập úng đô thị đang “nhức nhối” hiện nay.

Quốc hội thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia sáng 7.1

gia hân

Ông Tuấn cũng đề nghị chính sách liên kết vùng phải thực chất. Hiện nay không gian phát triển đô thị bị chia cắt theo địa giới hành chính, liên kết vùng hạn chế. Việc này do thiếu cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển liên kết vùng; còn tình trạng cục bộ địa phương; cơ chế điều phối vùng chưa có thẩm quyền đủ mạnh.

“Tôi đề nghị trong quy hoạch cần nêu rõ hơn cơ chế điều phối, chính sách phát triển liên kết vùng làm định hướng, căn cứ cho các quy hoạch khác, đảm bảo phát triển ổn định, bền vững”, ông Tuấn kiến nghị.

Quy hoạch tổng thể quốc gia phân định cả nước thành 6 vùng kinh tế - xã hội, gồm: Trung du và miền núi phía bắc; Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; Tây nguyên; Đông Nam bộ; Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng nêu rõ sẽ "xây dựng mô hình tổ chức, cơ chế điều phối vùng để triển khai thực hiện liên kết nội vùng và thúc đẩy liên kết giữa các vùng nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực".

Sản phẩm du lịch vùng liệt kê gần như giống nhau

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga kiến nghị cần rà soát lại quy hoạch phát triển du lịch theo thế mạnh của từng vùng

gia hân

Đề cập quy hoạch phát triển du lịch, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, góp ý Quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm khi xác định các sản phẩm du lịch chính của mỗi không gian phát triển du lịch theo vùng.

“Trong 6 vùng không gian phát triển, những sản phẩm du lịch chính được liệt kê gần như giống nhau”, bà Nga nói.

Dẫn báo cáo, bà Nga cho biết, 4/6 vùng có liệt kê sản phẩm du lịch chính là biển đảo, có 5/6 vùng có sản phẩm du lịch chính là du lịch sinh thái, 6/6 vùng có sản phẩm du lịch chính là du lịch biên giới gắn với cửa khẩu…

“Vì cố gắng liệt kê hết những sản phẩm du lịch đang có của các vùng nên sản phẩm du lịch chính mỗi vùng lại quá nhiều, đều từ 10 sản phẩm trở lên”, đại biểu đoàn Hải Dương nói, và đề nghị rà soát lại các sản phẩm du lịch chính của mỗi vùng theo hướng xác định những sản phẩm thực sự nổi trội chứ không cần sự liệt kê đầy đủ và có phần còn lộn xộn tất cả các sản phẩm du lịch của mỗi vùng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.