Đề xuất xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế

25/03/2021 11:32 GMT+7

TP. HCM đề xuất tổ chức thành phố thành trung tâm tài chính quốc tế trong bối cảnh có nhiểu thay đổi chính trị trên thế giới nhằm thu hút thêm đầu tư cho Việt Nam.

Theo nguồn tin của Thanh Niên, UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Chính phủ, đề xuất xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đang nổi lên như một nền kinh tế năng động và những thay đổi chính trị của khu vực và trên thế giới.
Đề xuất của thành phố trích Nghị quyết ĐH13 có nhắc đến việc “nghiên cứu và thiết lập cơ chế đặc thù thúc đẩy TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế”.
Theo IMF, GDP năm 2020 của VN đạt 340,6 tỉ USD, vượt Singapore 337,5 tỉ USD, Malaysia 336,5 tỉ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 545 tỉ USD năm 2020 với 5 năm liên tục có thặng dư thương mại ngày càng tăng.
Theo lý giải của UBND TP.HCM thì thành phố có nhiều lợi thế như nguồn lao động nhân lực chất lượng cao, có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu, là trung tâm kinh tế tài chính quan trọng của đất nước, trung tâm kết nối kinh tế của khu vực kinh tế trọng điểm phía nam cũng như kết nối với các trung tâm tài chính khu vực châu Á-TBD. Thành phố đóng góp khoảng 23% GDP, 27% ngân sách quốc gia, thu hút 33% số dự án FDI của cả nước.
Vì thế, việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế sẽ thu hút các định chế tài chính quốc tế và đón đầu các dòng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh có nhiều biến động ở khu vực và trên thế giới thời gian gần đây.
Góp phần vào việc nâng cao uy tín và tầm vóc quốc gia ở một vị thế mới, việc hình thành trung tâm tài chính không chỉ là một xu hướng mà là biểu hiện của một quốc gia phát triển năng động và ngày càng hội nhập ngày càng sâu rộng hơn, báo cáo cho biết.
Việc hình thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là nhân tố tích cực tác động đến nguồn vốn cho nền kinh tế năng động của Việt Nam. Theo báo cáo của Chính phủ thì trong 5 năm qua, FDI vào VN đạt 175 tỉ USD, vốn giải ngân đạt 60%.
Đồng thời với việc tăng thêm năng lực thu hút các dòng vốn đổ vào Việt Nam sẽ thúc đẩy thêm sự quan tâm của các nhà đầu tư tư nhân, các thành phần kinh tế khác phục vụ cho sự phát triển của hệ sinh thái kinh doanh đi kèm.
Đề xuất của TP.HCM cũng đưa ra 3 giai đoạn của việc hình thành trung tâm tài chính này. Giai đoạn đầu là giai đoạn hoàn thiện là trung tâm tài chính quốc gia. Trong đó nhấn mạnh tới việc nâng cao dần chuẩn quốc tế của các dịch vụ hỗ trợ tài chính.
Giai đoạn tiếp theo là việc định hướng trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế khi mà nhu cầu đi kèm với các hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với sự bùng nổ của các hoạt động đầu tư nước ngoài và thương mại quốc tế. Thành phố kỳ vọng, về dài hạn, sẽ thu hút được nhiều nguồn cung về sản phẩm tài chính, thu hút sự quan tâm và đầu tư của các định chế tài chính lớn, hàng đầu thế giới.
Đồng thời, UBND TP.HCM cho rằng việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là biểu hiện của một quốc gia năng động, phát triển và hội nhập; góp phần nâng tầm quốc gia lên một vị thế mới trong bản đồ trung tâm tài chính phát triển của thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.