Đề xuất xe chở học sinh phải sơn màu vàng đậm

06/10/2024 05:52 GMT+7

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1.1.2025. Luật này quy định ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh phải có màu sơn theo quy định của Chính phủ.

Để chi tiết hóa nội dung trên, Bộ Công an đang chủ trì xây dựng dự thảo nghị định, trong đó đề xuất xe chở học sinh (HS) phải được sơn màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe, mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chuyên dùng chở HS.

Riêng với ô tô kinh doanh vận tải kết hợp đưa đón HS, dù không bắt buộc về màu sơn nhưng phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chở HS đặt ở mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ.

Tăng độ nhận diện

Ủng hộ đề xuất của Bộ Công an, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng việc quy định màu sơn riêng biệt sẽ giúp tăng độ nhận diện của xe chuyên chở HS. Điều này đã được nhiều quốc gia thực hiện từ lâu.

Theo PGS Nhĩ, vàng đậm là màu sắc phù hợp dành cho xe chở HS, không gây nhầm lẫn với các loại xe khác, dễ nhận biết trong mọi điều kiện thời tiết. Lực lượng chức năng và phương tiện tham gia giao thông khác cũng sẽ thuận lợi hơn trong việc ưu tiên tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng xe, đỗ xe; hoặc nhường đường chẳng hạn.

Đề xuất xe chở học sinh phải sơn màu vàng đậm- Ảnh 1.

Bộ Công an đề xuất ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải được sơn màu vàng đậm

ẢNH: TUYẾN PHAN

TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng chủ trương yêu cầu màu sơn riêng biệt đối với xe chở HS là hợp lý. Tại nhiều quốc gia, không chỉ quy định màu sơn, xe chở HS còn phải đảm bảo điều kiện về kiểu dáng, kết cấu, "chỉ cần nhìn từ xa cũng biết đó là xe chở HS", rất thuận lợi cho công tác quản lý, phân luồng, tổ chức giao thông.

Tuy vậy, ông Tạo lưu ý đến số lượng phương tiện đang tham gia cung cấp dịch vụ đưa đón HS và đề nghị cần nghiên cứu, xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp với điều kiện KT-XH hiện nay.

Với các TP lớn, có mật độ dân cư cao, điều kiện KT-XH phát triển, nhu cầu đưa đón HS nhiều, lộ trình có thể là 1 - 2 năm, doanh nghiệp (DN) hoặc đơn vị nào muốn tham gia thì bắt buộc phải đổi màu sơn.

Ngược lại, ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có kinh tế khó khăn, mật độ dân cư thấp, điều kiện KT-XH còn hạn chế, nhu cầu đưa đón HS khiêm tốn hơn, lộ trình thực hiện cần được kéo dài hơn. Trước mắt, thay vì phải đổi màu sơn ngay lập tức, cơ quan quản lý có thể linh động bằng việc yêu cầu trang bị các thiết bị nhận diện (đèn LED, bảng hiệu…) đối với xe chở HS.

Về lâu dài, TS Khương Kim Tạo kiến nghị xây dựng một khung chuẩn về kiểu dáng, thiết kế, màu sắc… đối với xe chở HS. Quá trình sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu phương tiện sẽ buộc phải tuân thủ theo khung chuẩn này. "Như vậy, trong tương lai chúng ta sẽ có được một lượng xe đưa đón HS đảm bảo chuẩn mực, thống nhất", ông Tạo nói.

Bài toán cho doanh nghiệp

Hiện nay, số lượng phương tiện dùng để chở HS là rất lớn. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, thống kê của Sở GTVT cho thấy toàn địa bàn TP có khoảng 100 đơn vị làm dịch vụ đưa đón HS bằng ô tô, phục vụ hơn 19.000 HS mỗi ngày. Vì thế, quy định về màu sơn của xe chở HS sẽ gây tác động ít nhiều.

Ông Nguyễn Viết Hưng, Phó giám đốc Công ty CP vận tải Newway, cho biết một số nước đã quy định màu sơn riêng dành cho xe chở HS, nhưng với điều kiện các phương tiện này hoạt động như school bus - tức là chỉ phục vụ HS. Còn tại VN, rất ít DN cung cấp dịch vụ xe chuyên biệt chở HS, mà thường kết hợp kinh doanh vận tải hành khách. Bởi lẽ, nếu đầu tư vào một chiếc xe chỉ để chở HS thì hiệu quả kinh tế không cao. Phụ huynh và HS sẽ phải chịu đơn giá vận tải rất cao, DN thì "đau đầu" với bài toán chi phí, lợi nhuận.

"HS chỉ có nhu cầu sáng đón đi, chiều đưa về, chạy chủ yếu trong nội đô, quãng đường di chuyển không là bao, đồng nghĩa doanh thu thấp. Không đủ chi phí duy trì và có lãi, DN sẽ không đầu tư, hoặc có đầu tư nhưng sử dụng xe cũ, xe chất lượng kém, đã hết khấu hao, chất lượng dịch vụ đương nhiên sẽ không tốt. Khó cho cả hai bên", ông Hưng nói.

Từ thực tế trên, ông Hưng nhận định việc quy định màu sơn để "tách" riêng mảng xe đưa đón HS sẽ có những rào cản nhất định, là bài toán cần tìm lời giải. Nhà nước có thể nghiên cứu chính sách trợ giá cho loại hình này, tương tự trợ giá như xe buýt, để khuyến khích DN đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đại diện một DN vận tải khác cũng chia sẻ xe chuyên chở HS hiện chủ yếu do phía cơ sở giáo dục đầu tư, còn DN thì rất ít. Để đảm bảo doanh thu, các DN thường kết hợp thêm dịch vụ chở khách (dịp nghỉ cuối tuần, lễ, tết, nghỉ hè…).

Với đặc điểm trên, dự thảo của Bộ Công an đã phân định rõ 2 trường hợp, trong đó chỉ bắt buộc sơn màu vàng đối với xe chuyên dùng chở HS, còn xe chở HS kết hợp kinh doanh vận tải thì chỉ cần có hệ thống biển báo nhận biết. Quy định như vậy là phù hợp, nhằm tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng xe đồng thời cho cả 2 loại dịch vụ, tránh cứng nhắc.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, bày tỏ sự ủng hộ khi dự thảo phân chia thành 2 trường hợp bắt buộc và không bắt buộc sơn xe màu vàng. Ông Quyền gợi ý có thể nghiên cứu thí điểm với xe đưa đón trẻ mầm non và HS tiểu học trước, sau đó đánh giá hiệu quả và tiến tới nhân rộng.

Theo ông Quyền, thay đổi màu sơn không chỉ đơn giản là việc phun sơn lên chiếc xe, mà còn phải phù hợp với đăng kiểm, đăng ký xe. Mỗi lần thay đổi như vậy cần những thủ tục nhất định. "Ví dụ chiếc xe trước đây được sử dụng để kinh doanh vận tải hành khách, nay chuyển sang chở HS thì phải đổi màu sơn; một thời gian sau lại thay đổi loại hình kinh doanh, màu sơn vàng không còn phù hợp nên sẽ phải thay đổi lần nữa, khá là phức tạp", ông Quyền nêu và cho rằng cần có đánh giá tác động một cách toàn diện.

Bên cạnh màu sơn, luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng yêu cầu hàng loạt điều kiện nhằm siết chặt chất lượng của dịch vụ vận tải chở HS. Theo đó, xe chở HS phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em, HS và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; riêng xe chở trẻ mầm non hoặc HS tiểu học phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp.

Khi đưa đón trẻ mầm non, HS tiểu học, trên xe phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ trong suốt chuyến đi. Người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra trẻ khi xuống xe; không được để trẻ trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.