Đêm 28 tết, uống rượu với Bảy Chợ Lách!

24/01/2020 06:00 GMT+7

Công viên làng hoa Gò Vấp (TP.HCM), đêm ánh điện lung linh, người người nườm nượp đi mua hoa.

Chợ hoa xuân Gò Vấp năm nào cũng vậy, thu hút rất nhiều người từ các nơi đổ về. Tôi ngồi bên hoa, uống vài chung rượu với Bảy Chợ Lách (Bến Tre), một gã đàn ông nhìn sương gió, bán hoa ở đây đã nhiều năm rồi.
1. Gã và tôi quen nhau tình cờ. Buổi sáng, tôi dạo qua chợ hoa, ngắm cây bông giấy thạch thảo dáng bon sai, ưng ý lắm. Hoa nở rực lòa xòa, ghép với lá cẩm thạch lung linh trong nắng sớm. Tôi hỏi giá, gã hăng hái nói, chỉ trả một câu, bớt 100 ngàn đồng là xong. Gã cười rất hiền, mái tóc dài rung rung; "Có chậu cúc mai nhỏ, anh lấy về chưng trên bàn phòng khách, bông lâu rụng lắm. Để cho anh ba trăm ngàn thôi”. Vừa nói gã vừa chỉ tay, tôi nhìn và gật ngay. Hai chậu bông vừa ý, vừa cả cái tình của người bán. Bỗng thấy thích thằng chả chi lạ!
Vừa ràng cột hoa, tôi nói: “Tối nay tôi đem rượu ra làm vài ly nhé. Ở xa về đây bán hoa, có thêm chút men bạn bè cũng đỡ buồn. Tôi cũng là người viễn xứ, xa quê tết ở lại. Nói chuyện chơi”. Gã gật, nói: “Tối nay tôi chờ anh”.
Buổi chiều, dọn dẹp nhà cửa xong, tôi gọi điện cho gã. Bảy bắt máy nói ngay: “Anh đến đi, tui cũng chuẩn bị rượu rồi đây”. Đem theo chai rượu, ít mồi nhắm và ghé mua một khúc chả bò me Nam Nghĩa (Nghệ An), tôi đến. Tầm 7 giờ tối, chợ hoa đã bắt đầu đông vì ban ngày trời nắng, người mua hoa thường dạo về đêm. Tôi thấy Bảy Chợ Lách và vợ đang lăng xăng mua bán. Nhìn thấy tôi, gã gật đầu cười: “Anh vô đàng sau đi, tui xong ngay đây”. Một chốc, Bảy trải ra chiếc bạt, hai đứa lôi rượu ra. Tôi ngớ người khi nghe Bảy nói: “Tui ăn chay trường từ lúc nhỏ, cả đời có biết thịt cá là gì đâu. Có mấy trái ổi này đưa cay là được”. May, khi ở nhà tôi đã chuẩn bị một chút trái cây để tráng miệng, thành ra món chính của Bảy!

Bảy Chợ Lách trong sương gió ngày đêm ở vựa hoa vẫn vui tươi đàn hát

2. “Tui tên thiệt là Võ Lập Ngôi. Ở quê xứ người ta thường kêu tui là Bảy Ngôi. Giờ anh cho thêm biệt danh là Bảy Chợ Lách. Đã thiệt!”. Gã khà một tiếng rồi cười, nhẩn nha kể: “Thời trai tráng, tui có 10 năm lên Sài Gòn, quyết chí lập nghiệp. Làm thợ may ở nhà may Tài nổi tiếng. Rồi sau không trụ được về quê”. Tôi hỏi: “ Sao không ở lại Sài Gòn?”. Với câu này, Bảy ngần ngừ một hồi rồi tâm sự.

Tác giả và Bảy Chợ Lách đối ẩm tâm sự chuyện đời

… Hồi ấy, lên đây một thân một mình, Bảy cố học tinh thông nghề may. Nhưng rồi lưu lạc mãi thấy chán, đất đai ở quê thì bạt ngàn. Bảy nảy ra ý về quê lập nghiệp bằng nghề hoa kiểng. “Nhưng có một ý nữa, tui về quê lấy vợ, vì ông già hối thúc quá. Ở đây cũng có dăm ba mối muốn gả con gái cho mình, nhưng ông già không cho ở nữa. Buồn cười lắm, có tiệm cơm chay tui ăn trường kỳ ở đó. Bà chủ tiệm mấy bận đánh tiếng muốn gả con gái cho tui. Nhưng tui lắc đầu, nói dì ơi con về quê thôi”. Rồi Bảy về thiệt. Ban đầu gầy dựng cơ ngơi ở vùng hoa Chợ Lách nổi tiếng, bằng khoảnh vườn. Bảy mày mò học cách chăm kiểng. “Nhưng lúc ấy ở Chợ Lách mở Trung tâm dạy nghề, mà thiếu người dạy nghề may. Vậy là mấy anh ở đó đánh tiếng mời tui đi dạy. Được 2 năm, khi đã có người thành nghề kế nghiệp, tui trở lại vườn cho đến bây giờ”.

Người đi mua hoa tối 28 tết ở Công viên làng hoa Gò Vấp

Giờ thì Bảy có 2 người con. Con gái đầu học Đại học Kiến trúc TP.HCM đã ra trường, làm nghề thiết kế nội thất. Người con trai út đang học ở trường quốc tế của Nhật cũng ở Sài Gòn. “Năm nào tui cũng lên đây bán bông tết. Hồi trước thì bán ở TP.Tân An (Long An), nhưng sức mua không bằng Sài Gòn. Mỗi vụ bông tết vậy kiếm được khoảng trăm triệu, sau khi trừ đi công xá, đầu tư và chuyên chở, mặt bằng…”. Bảy hồ hởi nâng ly rượu, cười nói. Bỗng nhiên điện thoại đổ chuông, gã a lô một hồi, tôi nghe loáng thoáng: “Bán cho người ta đi, rẻ chút để người ta còn kiếm lộc”. Rồi quay sang tôi, Bảy kể: “Có ba trăm chậu cúc dưới vườn, người ta đến mua sỉ”.
3. Lên Sài Gòn từ 25 tháng Chạp, Bảy nói mỗi ngày tui bớt một giá, đến 30 tết về là vừa vặn bán hết. “Tết năm ngoái, có chú công nhân đến mua chậu mai 150 ngàn. Tui bán rẻ, vì thấy chú ấy vui tính. Nhưng đến chiều 30, chú lại chạy ra nói, anh Bảy ơi, chậu mai em nở hết rồi, giờ sao?”. Tui chỉ cho một chậu khác, nói: “Nở rồi thì lấy chậu khác về chưng, chớ sao là sao”. Bảy nói, nghĩ người ta như mình, hoa là để cho vui cửa vui nhà, có chút xuân với thiên hạ, chớ có làm giàu làm có chi mà lại dùng dằng. Rồi lại cười!
Có điều Bảy kể, khiến tôi ưu tư, nâng ly rượu lên rồi lại đặt xuống. Gã nói năm ngoái tưới vườn hoa tết mỗi ngày hết 2 triệu tiền nước ngọt. Năm nay số lượng hoa kiểng vẫn vậy, mà phải tăng lên 3 triệu mỗi ngày. “Mặn xâm nhập ngày càng mạnh kiểu này, tiền mua nước tưới mỗi năm càng phải chi nhiều. Nghề hoa Chợ Lách chắc gặp khó rồi anh ơi”!

Hoa vườn của Bảy Chợ Lách bày bán ở Gò Vấp

… Trong đêm, nhìn ra tíu tít người chọn mua rồi trả giá, thấy mùa xuân đang vẫy gọi trên mỗi cánh hoa, lại chợt một thoáng nao nao với lời Bảy kể. Tôi chỉ biết nâng ly chúc vợ chồng Bảy bán hết được số hoa này sớm, để về đón tết cùng mọi nhà!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.