- Tôi đã phải chờ đợi rất lâu để gặp được thầy.
Ngạc nhiên hết sức khi tôi nhìn vào ánh mắt khắc khoải của ông. Tôi là ai mà khiến ông phải mong ngóng như vậy, liệu ông có đang nhầm lẫn điều gì chăng?
Còn chưa kịp thắc mắc thì bàn tay tôi đã bị ông siết chặt, sự chân thành quá đỗi khiến tôi hoang mang thật sự. Ông giãi bày:
- Tôi có một việc nhờ thầy giúp, ngoài thầy ra tôi không biết phải phiền ai.
Trong các mối quan hệ xã hội trước nay tôi vẫn luôn chăm chăm vào mục đích khi tiếp cận vấn đề, họ muốn gì quan trọng hơn việc họ làm gì. Vẫn là chẳng có thứ chi miễn phí ở đời, tôi đã ăn của ông, ở đậu đất nhà ông, giờ có cơ hội mà giúp được ông âu cũng là lẽ thường tình. Chỉ có điều tôi đang tự hỏi: một kẻ đến bản thân còn lo không nổi thì giúp được gì cho người khác nhỉ?
...
Tâm nguyện của ông ngày đó vẫn vẹn nguyên trong tâm trí tôi như một lời nhắc nhở. Thú thật là trước khi gặp ông tôi đã chùn bước bởi những khó khăn tức thời, thậm chí là chắc chắn phải bỏ nghề. Tôi đã kiệt sức khi vật lộn với cuộc sống quá đỗi cùng cực, với những con người hết sức vô tri. Lý do ấy vốn dĩ chưa đủ thiêng liêng để tôi hy vọng vào một hướng đi khác dễ dàng hơn bởi thật ra chẳng có nghề gì là sung sướng, hạnh phúc viên mãn có chăng chỉ là ảo giác được sinh ra khi con người thật sự yêu thích. Nếu không tôi đâu chọn cái nghề gõ đầu trẻ mà có mặt ở đây, trong một hoàn cảnh nhiêu khê như thế này.
...
- Thầy xem qua rồi chắc là thầy sẽ hiểu được mong muốn của tôi.
Vừa nói ông vừa lôi trong hộc tủ ra một số thứ sao mà thân quen quá đỗi. Tôi lặng đi phút chốc nhường tâm trí cho sự hổ thẹn xâm lấn. Tôi không cần tự hỏi tại sao mình cứ phải cam chịu bao nhiêu thống khổ bấy lâu khi bản thân vẫn còn quyền lựa chọn, bởi hôm ấy tôi nhận được từ ông câu trả lời, theo cái cách chẳng ai có thể ngờ được.
***
Tốt nghiệp loại giỏi ngành sư phạm, chẳng hiểu sao tôi lại có tên trong danh sách điều động đi đến vùng xa để gieo mầm hạt chữ. Thấu hiểu những khó khăn vật chất, tổn thất về tinh thần nên sở chỉ xếp những thực tập sinh đi theo dạng tình nguyện, một hai năm rồi về. Vì bản tính quen chấp nhận mọi chuyện lại hay sợ người khác phật lòng nên tôi chỉ có thể dạ dạ vâng vâng, chứ nói muốn thì thực ra tôi chẳng muốn tẹo nào.
Quyết định đã ký, tôi được bố trí công tác tiểu học tại một vùng đê biển ở Vĩnh Hậu, Bạc Liêu, nơi đa phần là đồng bào người Khmer sinh sống. Dù tâm lý đã luôn chuẩn bị sẵn cho những bất ngờ sửng sốt thì trí tưởng tượng vẫn giương cờ thực tại. Những ngày đầu tôi cố gắng tìm hiểu về những người đã đến đây trước tôi nhưng chỉ nhận được thông tin rất mơ hồ, tôi có cảm giác rằng chẳng mấy ai mảy may tha thiết. Chỉ nghe kể về thầy giáo Thuần, sở dĩ dân ở đây nhớ tên thầy vì năm đó thầy bị một phụ huynh hành hung đến thập tử nhất sinh. Thầy mở lớp dạy thêm tại nhà, mặc dù thầy không lấy tiền nhưng thầy lấy đi thời gian vốn dĩ đã chẳng đủ để đi kiếm cái ăn của học trò. Tôi vẫn nhớ ngày đi nhận giấy tạm trú ở xã, một cán bộ đã tốt bụng nhắc nhở tôi nhiều điều, ông bảo rằng trước sau gì tôi cũng sẽ quay về thôi, chi bằng đừng lãng phí thời gian của mình. Ông còn ví nơi này như vùng trũng của giáo dục, dân ở đây vừa không biết chữ vừa không biết điều.
Chẳng phải tôi cố chấp mà bỏ ngoài tai những lời khuyên can ấy chỉ vì cái tâm lý cung kính không bằng tuân lệnh, dù cho cái lệnh thảy tôi về đây khác nào thảy một viên xúc xắc xoay vòng mà kết quả là một điều gì đó rất hên xui.
May mắn là tôi còn gặp ông, một người già tử tế. Lúc đầu tôi dùng tiền trợ cấp của sở để thuê phòng trọ ngoài thị trấn. Thấy tôi ngày ngày cuốc xe cả trăm cây số, ông ngỏ lời cho tôi mượn mảnh vườn nhỏ, còn nhiệt tình cùng tôi dựng một căn phòng tiền chế, dù không thẩm mỹ và kiên cố nhưng cũng đủ để chui ra chui vào. Ông kể rằng ông không phải là người bản xứ, mẹ bỏ ông ở cổng chùa Xiêm Cán. Lớn lên một chút thấy chùa nghèo, ông bỏ đi phiêu bạt khắp Nam kỳ lục tỉnh, hơn nửa đời người thì trôi dạt về đây. Ai sinh ra ta? Sống để làm gì? Chết đi về đâu? Hơn sáu mươi năm cuộc đời ông vẫn còn loay hoay trong vòng luẩn quẩn ấy.
...
Tôi đã từ chối những tiện nghi đủ đầy chốn Sài thành để đi đến một nơi nhà vệ sinh chỉ che được nửa thân người, một căn nhà nền đất cũ nát ở đây gọi là lớp học được dẫn vào bởi cây cầu làm bằng vài khúc củi cheo leo. Sóng điện thoại phải leo lên mái nhà cũng chỉ lúc được lúc mất. Tất cả giáo án tôi đều phải soạn tay và lúc cần thiết ít nhất phải mất nửa ngày mới thấy được văn phòng phẩm. Những thiếu thốn kinh hoàng nhiều lúc khiến tôi quên mất mình đang sống trong kỷ nguyên của công nghệ. Tôi cố gắng động viên bản thân mỗi ngày vì dẫu sao đó cũng là con đường tôi đã đồng ý bước vào.
Học sinh của tôi chỉ le que mười mấy đứa, ấy vậy mà chúng còn đi học bữa đực bữa cái. Chúng chậm tiếp thu và ương ngạnh. Mỗi lần bị tôi khiển trách, chúng thì thầm với nhau bằng tiếng nói riêng, cốt để tôi không hiểu chúng nói gì. Cuộc sống ở đây chủ yếu là bám biển, bữa đói bữa no, mười người thì chín người mù chữ. Con cái thường bị cha mẹ la rầy, bỏ đói để quên đi việc học.
...
Ông lấy ra một bộ sách giáo khoa lớp một cẩn thận đặt nó trước mặt tôi, tôi nghĩ trong đầu rằng ông sẽ nhờ tôi tặng cho học sinh nghèo nào đó mà lòng tôi áy náy. Ít giây trước tôi còn đang tự vệ khi nghĩ rằng ông tiếp cận với tôi là vì một mục đích tư lợi nào đó.
Ông bắt đầu kể tôi nghe một số chuyện trước kia, từ việc ba lần ông vượt biên thất bại cho đến chuyện vợ con ông bỏ đi theo một người giàu có, trí thức...
Cuộc đời ông đã trải qua nhiều thăng trầm bi kịch, nếu xem chúng như là lửa thì ngọn lửa của tôi khác nào cơn gió mát bay qua. Tôi xấu hổ khi thấy mình thật sự tí hon cùng cái ý định lui bước trước đó chỉ vì nơi đây quá nghèo.
...
Tôi đã cố gắng thay đổi đến mức không còn nhận ra. Tôi ở bẩn một tí vì sợ tắm cái dung dịch màu vàng, bao gồm nước, muối và phèn. Ấy vậy mà sáu tháng hạn lúc đất bị mặn xâm lấn tôi còn phải chắt chiu từng giọt. Tôi tập ăn mắm, cá khô để hạn chế xuống chợ huyện xa xôi, thứ mà trước đây tôi còn không dám ngửi. Tôi thiếu ngủ đến mức suy nhược vì âm thanh vo ve của ti tỉ con muỗi, của tiếng động cơ rẽ nước ra vào suốt đêm ngày.
Tôi cảm nhận rõ cái nghèo đáng sợ thế nào, càng thấu hiểu hơn về giá trị của con chữ. Tôi đến nhiều nhà thăm hỏi phụ huynh, động viên các em trở lại lớp. Tôi theo chúng vào rừng bắt ốc len, ra kênh mò cá ngát để chúng không thấy mặc cảm dẫu bản thân tôi chẳng hề biết bơi và thường phải uống nước bằng mũi.
Nhưng cuộc đời không phải đơn giản cứ muốn là được.
Tôi có cảm giác mình như con dã tràng xe cát, càng cố gắng bao nhiêu thì nhận lại ê chề bấy nhiêu. Học sinh của tôi mỗi ngày một ít đi, đứa nào mà đọc được đôi chữ là cha mẹ giữ ở nhà. Tôi không biết từ bao giờ việc đi học trở nên xa xỉ như vậy.
Tôi gửi email lên sở xin nghỉ dạy ít bữa, cần có thời gian để suy nghĩ về cái danh xưng của mình. Tôi nằm dài nhìn thời gian trôi theo từng con sóng biển như một vòng lặp tuần hoàn vô nghĩa.
Ông qua thăm tôi cùng với một vài đứa học trò. Tôi biết ông đã làm gì để chúng tới đây nhưng lòng tôi vẫn cảm thấy được an ủi phần nào. Ông mong tôi mau khỏe lại vì bọn trẻ cần tôi. Ánh mắt tôi lảng đi, ai cần tôi chứ? Vốn dĩ ông không phải tôi, làm sao ông có thể hiểu được.
...
- Tôi biết thầy đã phải vất vả nhiều vì bọn trẻ, nhưng thầy là người tử tế, xin thầy vất vả thêm một chút.
Lẽ ra tôi phải cúi người xuống cho bằng ông mà nói chuyện nhưng thái độ thành khẩn của ông làm tôi bối rối không nghĩ ngợi được gì.
- Tôi sống gần bảy mươi năm mà một chữ bẻ đôi còn không biết, nếu có thể xin thầy dạy chữ cho tôi - Lời ông nói như tựa nhát dao khứa vào tâm khảm tôi. Ông có biết là tôi đang chán chường thế nào, thậm chí chỉ muốn nằm lăn ra để không phải tiếp tục công việc này một giây phút nào nữa. Tôi có một quá khứ đủ đầy, thứ mà vừa khi bập bẹ tôi đã dễ dàng có được thì ông phải chờ đợi bao năm mỏi mòn. Tôi ghét gớm chính mình khi nhớ lại ngày nhận bằng tuyên hứa, nhớ lại những khát khao và thúc giục ban đầu. Bao nhiêu kiến thức sư phạm, bao nhiêu giọt nước mắt của người mẹ nông dân có con là thầy giáo bỗng chốc trở nên vô nghĩa hoàn toàn bởi vốn dĩ tôi đã không có cho mình một chút nhiệt huyết nào.
- Cháu không phải là một người thầy tốt như ông nghĩ đâu nhưng cháu hứa sẽ dạy ông biết đọc, biết viết.
Ông mừng rỡ ôm chầm lấy tôi, không ngừng cảm ơn rối rít. Từ lúc biết ông đến nay chưa bao giờ tôi thấy ông vui như vậy.
...
Khát khao được học của ông ngày đó đã thắp lại ngọn lửa lòng trong tôi, dạy tôi bài học đầu tiên về nghiệp trồng người. Và hôm nay sau gần ba mươi năm là giáo viên vùng biển cũng bấy nhiêu lần tôi từ chối thuyên chuyển công tác. Trường tiểu học Vĩnh Hậu A luôn đi đầu trong phong trào cải cách giáo dục. Ngoài dạy học chính quy tôi còn huy động trợ cấp mở thêm các lớp học bổ túc để mọi người có thể tiếp cận mặt chữ, dần đẩy lui giặc dốt ra khỏi vùng trũng này.
Hạt mầm con chữ đã đơm hoa kết trái trên mảnh đất cơ cầu là thành quả mà xã hội ngày đêm xây dựng. Tôi chỉ là người đặt những viên đá đầu tiên. Tất cả đều phải trông nhờ vào công học tập của các em.
Tôi vẫn thường đến thăm người học trò đặc biệt năm xưa, nhà của ông bây giờ nằm trên một gò đất cạnh cửa biển. Tôi lau bớt bụi bám trên di ảnh ông rồi thắp lại ngọn đèn cầy, nắng đang lên và hoa bắt đầu nở vàng dưới chân mộ.
Bình luận (0)