Giữa thời buổi tấc đất tấc vàng, có người lại đem mảnh đất dưỡng già  275 m2 làm nghĩa trang riêng cho những mảnh đời bất hạnh. Nghĩa trang kỳ lạ ấy sau 6 năm đã giúp 44 người dưng mồ yên mả đẹp.

>> HOÀNG SƠN

Tôi tìm gặp ông Nguyễn Xuân Thắng (62 tuổi, trú tổ 15, Đà Sơn, P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) giữa thời điểm “cơn sốt” đất tại Đà Nẵng gần như lên đến đỉnh điểm. Nhiều vùng quê vốn dĩ bình yên giờ nổi sóng khi bụi tre, vườn chuối rộng chừng  100 m2 cũng có giá tiền tỉ. Nhưng vợ chồng ông thì nghĩ khác...

Năm 2013, ông Thắng trúng vé số, những 400 triệu đồng. Lúc đó, nhà dột nát, ông Thắng lấy 67 triệu đồng sửa sang, lại “trích” 33 triệu đồng mua mảnh đất ngoại ô 275 m2 để phòng khi về già có chốn thanh tịnh nghỉ ngơi. 300 triệu đồng còn lại, ông dốc hết để làm từ thiện, giúp người hoạn nạn, mua gạo phát cho người nghèo. “Hằng ngày, vợ chồng tôi mưu sinh bằng dịch vụ mai táng. Giàu thì không đâu nhưng tôi cũng đỡ hơn so với rất nhiều người nghèo. Trúng số là “lộc” trời ban, giữ để làm gì...”, nhấp ngụm trà, ông Thắng tâm sự.

Cho đến một ngày, ông nhận điện thoại đến làm ma chay cho một cậu thanh niên tự vẫn. “Nhà cậu đó nghèo đến mức không tiền mua đất chôn. Ngẫm đời lắm lúc chua xót. Tôi nghĩ ngay đến mảnh đất mình mới mua được”, ông nhớ lại. Thi thể cậu thanh niên ấy là người đầu tiên được ông “đón” về mảnh đất dưỡng già. Xong dịch vụ đám tang, ông Thắng không lấy đồng nào.

Việc làm từ thiện “không giống ai” của ông Nguyễn Xuân Thắng nhận được sự khen thưởng từ ngành chức năng

Những năm 1990, cả nhà ông Thắng lên Tây nguyên lập nghiệp, nhưng rồi cái khó cứ riết bám. Năm 1999, ông trở về quê gốc Đà Nẵng mưu sinh với đủ thứ nghề, trong đó có cả nghề mà mới nghe qua ai cũng chờn chợn: bốc hài cốt. Ông bảo, đói thì đầu gối phải bò, hồi mới vào nghề sợ lắm. Riết thành quen, rồi bén duyên với nghề “phục vụ” người chết khi nào không hay. “Những ngày đầu hồi hương, vợ chồng tui thiếu trước hụt sau. Cái nhà dựng nên lâu dần thành xập xệ. Rồi địa phương hỗ trợ 10 triệu đồng để xây nên cái nhà như đang ở đây”, ông Thắng chỉ tay về tấm biển “nhà tình nghĩa” gắn trên cửa. Thấm thía cảnh cha mất vì cơ hàn mà chẳng thể lo tươm tất, lại thêm gắn bó với nghề nhiều năm gặp không biết bao cái đám tang tận cùng khổ cực, ông phát tâm từ thiện như một lẽ phải làm.

Khi quyết định chôn cậu thanh niên xấu số trong vườn nhà mình, vợ chồng ông Thắng đã nghĩ tới việc sẽ hình thành nên nghĩa trang cho những phận đời hẩm hiu. Thoắt cái, 6 năm, nghĩa trang giờ đã lấp kín bởi 44 ngôi mộ. Đủ thành phần, già có trẻ có, người tai nạn, kẻ tự vẫn, người mất gốc, kẻ tứ cố vô thân… Họ nằm cạnh nhau, dường như không còn cô quạnh. Chôn cất tử tế, ông Thắng còn muốn những người khi ở dương gian túng thiếu lúc về âm thế có chút an ủi. Vậy là bỏ thêm tiền mua đá về ốp cho những ngôi mộ. Ngày ngày nhổ cỏ, nhang khói như những nấm mồ của người thân…

Ông Thắng nhớ như in một ngày cuối năm 2018, khi nhận tin báo một người bị tàu lửa tông chết tại P.Hòa Minh (Q.Liên Chiểu). Đó là một phụ nữ trẻ rời Quảng Nam làm ăn, đã lâu không giữ liên lạc với gia đình. “Hôm đó, sau khi ngành chức năng làm thủ tục nhận thi thể xong liền gọi tôi xuống. Vì không có cách gì để tìm người nhà nạn nhân nên tôi đã dành huyệt mộ cuối cùng, tức mảnh thứ 44 trên đất nhà mình, cho cô ấy…”, ông kể.

Ông Thắng lập bàn thờ Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… trong nhà mình

Người phụ nữ xấu số ấy cũng là trường hợp thứ 9 trong năm 2018 được ông Thắng tặng quan tài. Gần 15 năm trong nghề, ông Thắng không nhớ mình đã tặng quan tài cho bao nhiêu người. Cứ thấy hoàn cảnh gia đình người chết khó khăn, ông khiêng cỗ quan đến. Khi tính tiền thì miễn phí.

Bà Huỳnh Thị Sanh (66 tuổi, vợ ông Thắng) góp chuyện: “Hồi mới vô nghề. Một hôm đang ăn cơm với vợ con, nghe tin báo ngoài biển có cái xác chết trôi dạt vào, ổng không nói không rằng kêu anh em vác cỗ quan chạy ra biển để tẩn liệm. Đó là lần đầu tiên ổng miễn phí quan tài cho người ta”. Ông Thắng ngồi bên cạnh thêm vào: “Trong nghề mai táng, người ta ngại nhất là làm cho những đám chết ngoài biển vì sau này… khó lấy tiền”. Ông nhớ rất rõ, đám tang đó hết 18,5 triệu đồng. Ông còn làm thùng công đức để xin sự giúp đỡ của người đi đường. Sau này khi người nhà đến nhận thi thể, ông Thắng chỉ nhận 5 triệu đồng để trả nhân công.

Gặp người nghèo qua đời, ông Thắng liền mang quan tài đến hỗ trợ miễn phí

Đám tang tốn kém nhiều hơn, ông cũng chỉ lấy đủ số tiền để trả cho công nhân thôi. Như lần ông Thắng lo đám tang của một người phụ nữ gốc Huế chết vì lao phổi, ông cũng nhận 8 triệu đồng, còn lại biếu hết cho gia đình, gồm cả cỗ quan tài. Từ sau tết, có một trường hợp khó khăn, ông cũng tặng 1 cỗ… “Quỹ quan tài cho người nghèo, khi nào tôi cũng dành sẵn 4 cái. Gặp nhà nào khổ cực, tôi nói anh em vác đến giúp họ liền”, ông nói.

Bà Sanh kể, từ sau tết đến nay, ông nhận dịch vụ 20 đám tang nhưng nhiều đám quá khó ông cho nợ. Trong số những đám nợ, ông còn… cho thêm 2 - 3 triệu đồng để gia chủ có thể xoay xở sau khi chôn cất người thân.

Hôm tôi đến, ông Thắng đang cùng với một số người bạn trong hội từ thiện địa phương bàn tính lo đám tang cho một người nghèo tại P.Hòa Minh. Nói về câu chuyện làm từ thiện của ông Thắng, cụ ông Nguyễn Nhữ Long, Trưởng ban Chư phái tộc Đà Sơn, gật gù: “Phải nói là hiếm người như chú Thắng. Tôi chứng kiến, không ít lần, vì những người chết không có nhân thân hoặc người thân không kịp đến nhận về, Thắng đã đem những người xa lạ đó về nhà rồi khâm liệm luôn”.

Chuyện tặng quan tài, cho luôn đất để chôn đã là lạ, nhưng đem người khác về nhà mình tẩn liệm thì nhiều người “né” vì kiêng kị. Như hiểu được suy nghĩ của tôi, ông Thắng gạt: “Mình không đem về nhà thì để họ ở đâu? Có người mất quê gốc, không về được, trường hợp người nhà không đến kịp, bỏ ngoài đường thì quá tội. Nên đã có gần 10 người tôi đem về nhà tẩn liệm, chọn giờ đem ra nghĩa trang…”. Cụ Nguyễn Nhữ Long cũng từng nhận thấy chuyện đem người lạ vào làng để tẩn liệm lâu nay không ai chấp nhận. “Nhưng xúc động trước nghĩa cử của Thắng, bằng uy tín của mình tôi đã thuyết phục mọi người để họ thấy đó là việc nghĩa hiệp mà không làm khó dễ”, cụ nói.

Ông Thắng cùng những người bạn, anh em hoạt động chung trong hội từ thiện địa phương

Là người nhiều lần gọi điện thoại thông báo cho ông Thắng về các trường hợp người chết trong cảnh ngặt nghèo, ông Nguyễn Văn Thị, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ P.Hòa Minh, rất xúc động mỗi khi nhắc lại: Dù đêm hôm khuya khoắt hay mưa gió bão bùng, ông Thắng đều có mặt để giúp đỡ. Nhiều trường hợp, khi tới đám tang quá nghèo, ông rút ví móc ngay tiền “tạm ứng” để gia đình có tiền đi chợ trước. Khi xong đám, gia chủ trả tiền, thấy thương, ông lại cho ít tiền...

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Hoàng Sơn

Báo Thanh Niên
18.03.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.