Đêm đông đọc 'Ngọn nến đông'

18/12/2021 19:39 GMT+7

Ngày nhạc sĩ Phú Quang ra đi về với quê nhà Phú Thọ, tôi ngồi nghe lại bản nhạc Ngọn nến . Dường như là bản duy nhất ông viết về mùa Giáng sinh ở Hà Nội. “Bài Thánh ca cho ta cho em. Và ngọn nến mong manh trong đêm”…

Chợt hiện về nét mặt rất hiền của nhạc sĩ cùng đứng hát với ca sĩ Quang Lý. Và bỗng dưng chợt hiện về một tập thơ tôi chưa kịp đọc hết, có cái tên từa tựa từ vùng đất trù phú Tiền Giang, xa Hà Nội gần hai ngàn cây số. Và vì chưa đọc hết nên những bài thơ vẫn còn rất mới, phá toang mọi rào cản, ranh giới thời gian của cái ngày nộp lưu chiểu từ ấy đến nay (7.2020), khi tập thơ của nữ tác giả Trúc Thanh ra đời: Ngọn nến đông.

Sách cũ nói chung và văn chương không bao giờ cũ, có lẽ. Vì cái cách sáng tạo nghệ thuật của một nghệ sĩ, một tác giả văn nghệ bất hoặc thời nào, cũng để đẹp thêm cho đời mà thôi. Ai nói gì thì nói, tôi đồ rằng mấy câu trong bài Ngọn nến đông của Trúc Thanh, là bài lấy làm tựa đề tập thơ, cũng sẽ khiến nhiều người giật mình, như tôi đã có một giây giật mình: “Đâu về lại những mùa xưa/Bẻ đôi từng trải cho vừa tuổi em/Thơ tình rọi nến ngồi xem/Mà nghe nước mắt lấm lem trang đời”.

Bìa 1 và bìa 4 tập thơ Ngọn nến đông của Trúc Thanh

Bốn chữ “bẻ đôi từng trải”, ám ảnh tựa như một giấc mơ chẳng ai dám… tự xưng danh giữa cuộc đời này. Cái sự tự vỗ về ấy, với một nữ nhi yếu đuối, cho thấy một đằng sau mạnh mẽ vô lường, nghị lực có thừa từ một cô gái miền sông nước Tiền Giang.

… Đó là một ngày nắng nhiều, hình như tháng 3.2020, đi từ Cần Thơ về. Bạn tôi gọi cô ấy ra ngồi ăn trưa ở một ngôi quán có cây lộc vừng rất lớn ở ven lộ huyện Cái Bè. Trúc Thanh ăn chay, và Trúc Thanh nói cười hồn hậu. Một dáng vẻ phụ nữ Nam bộ chân chất với khuôn mặt thanh tú. Chẳng quá e dè, mà cũng không hề lơ đãng. “Cô ấy quan sát đấy”, sau này khi đọc thơ cô, tôi “ngộ” ra, và tự nghĩ có lẽ như vậy!

Nghĩ vậy, bởi mỗi câu mỗi ý trong mỗi bài thơ của cô, là cả một sự quan sát mà chẳng dụng công. Như buông ra vậy. “Mấy mươi lần mùa hạ ngủ lim dim/Ve gọi cửa khoe niềm vui hội ngộ/Anh bên ấy nửa giường chưa ấm chỗ/Ta chốn này phận số rối cuồng tơ” (Rao bán tiếng ve). Lại băn khoăn với một chữ “bẻ” rất hay, kết một bài thơ bất chợt giở ra ở trang 27: “Thương… rằng thương biết bao nhiêu. Giá như nắng bẻ gãy chiều làm đôi” (Nắng & chiều).

Nắng như vậy, mà in trong tập Ngọn nến đông, thì dù không châm lửa, e nến cũng tan chảy vào đêm!

Chẳng cứ lục bát, chẳng cứ thất ngôn. Cô cứ nhặt sỏi bên đường “ném” vào trí não của người đọc, như khi “vẽ” mấy vần thơ tự do, tỉ như:

Chiếc áo mùa đông ủ thêm lần gia hạn

Mẹ cất gian nan trong đôi mắt biết cười

Nhẩm tính tuổi đời năm năm trước mới ba mươi

Hai mươi ba đêm cuối năm

sau mắt tôi chắc cũng biết cười như mắt mẹ

(Đêm cuối năm)

Hoặc như bốn câu đầu, bài Mùa đông thương nhớ:

Anh có lần ghé tạt tháng năm tôi

Mua chút nhớ thương, trả một trời vương vấn

Vắt kiệt tâm tư, thắp lửa sưởi hồn thơ ngày qua ngày tinh tấn

Diệu ngữ, kỳ ngôn thay son phấn điểm trang tình

Cánh lá lộc vừng bay chiều ấy, khi tôi đọc đến đoạn này, cứ nghĩ nếu cô ấy tả bằng thơ chắc khiến nó cũng mắc kẹt giữa một khoảng không lửng lơ. Chẳng biết xoay chiều nào mà đáp xuống. Mà có đáp chắc chẳng biết đậu vào đâu.

Bởi thế, 114 bài thơ chứa đựng trong 178 trang trong tập Ngọn nến đông không thể thiếu cha thiếu chị, thiếu mẹ thiếu út, như cách gọi em út là thằng Út, con Út trìu mến nhất mực của người miệt đồng bằng. Còn nhớ bữa hôm ngồi trong chiều ấy, Trúc Thanh nhắc nhiều về cha mình. Thì đây, cô viết: “Con nhìn cha, cha nhìn nắng rụng cuối chiều/Tóc đã bạc vì đội hết những nhọc nhằn sương gió/Chân cha nứt để đổi cho con đôi bàn chân son đỏ/Và đôi tay sần… bởi những nhọc nhằn ba nhặt hết thay con” (Bài thơ viết tặng cha).

Rồi với mẹ, cô trang trọng đặt ở đầu tập thơ, với bài Mẹ tập giấu đã thành quen:

Từ mẹ tập hát ru mùa thiếu nữ

Ai gợi sầu trong mắt ngoại mây bay

Neo thương nhớ đò nghiêng chiều nước cạn

Hoa bưởi gục đầu giọt nắng cũng quên say

Mà mẹ giấu gì? Người mẹ nào chẳng tự mình ôm một nỗi riêng tư khắc khoải buồn lo, làm sao cho con biết được: “Mẹ tập giấu nỗi niềm sau cửa mắt/Xuân vui vì con đã lớn đã ngoan/Mẹ tập mãi thành quen nên quên hẳn/Con thêm tuổi đời là mẹ bớt một mùa xuân”.

Rồi cô có những ngày vui ra sao, khi bước song hành cùng hạnh phúc của em mình, dặn dò như thể trong lòng canh cánh chuyện em gái lấy chồng xa: “Hành trang vào đời mẹ không sắm sẵn khéo khôn/Chỉ dạy con biết cho đi và đừng đòi hỏi/Còn chuyện đục trong nhờ số phần dẫn lối/Ta thương đời, đời thương lại Út ơi” (Út lấy chồng xa).

Đời đã tải vào thơ của Trúc Thanh như vậy. Với những con chữ dễ thương, có những trăn trở xuất thần. Cho nên tôi muốn một lần tạ lỗi, vì ngày ấy không về được dự buổi ra mắt thơ em.

Nhưng sự có mặt đôi khi chưa hẳn đã “thấm” bằng, khi “đọc” được cô trang trải trên những luống cày lật úp, xếp lớp lại dù chẳng để ý thẳng thớm ngay hàng, cũng được. Bởi từ trong tâm thức, cô đã sắp xếp rồi mới ra con chữ trải lòng trên trang giấy, chứ ấy đâu phải là mảnh ruộng ngày thường làm nứt chân cha, phải không Trúc Thanh?

Sài Gòn dần về cuối năm, 18.12.2021

Đọc thơ Ngọn nến đông, tác giả Trúc Thanh, NXB Hội Nhà văn, tháng 7.2020

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.