Không còn khép kín trong phòng thí nghiệm hay lớp học, những kiến thức khoa học đã được trao tận tay các em học sinh bằng những va chạm thực tế nhất thông qua chương trình “Tìm hiểu khoa học cùng Sony” (Sony Science Program). Tuy đây chỉ là những nỗ lực đơn lẻ của một công ty có tầm và có tâm với khoa học nhưng đã phần nào tạo nên hiệu ứng tích cực trong xã hội.
Ông Yuzo Otsuki - Tổng giám đốc Sony Electronics Vietnam - hướng dẫn
các em lắp ráp tai nghe từ vật liệu tái chế trong một buổi ngoại khóa thuộc chương trình “Tìm hiểu khoa học cùng Sony” - Ảnh: Nam Khuê |
“Đây là vỏ chai nước, đây là bìa carton… lần đầu tiên con tự tay lắp được cả bộ tai nghe luôn nè”, câu cảm thán của Thu Trang - cô học sinh đến từ Trường trung học cơ sở Tây Sơn, TP.HCM khiến tôi nhớ mãi về chương trình “Tìm hiểu khoa học cùng Sony” lần 8 được tổ chức vừa qua. Sự hào hứng mà các em nhỏ được tham gia lớp học ngoại khóa này cũng giống như chúng được bố mẹ đưa đến những khu vui chơi. Chỉ khác ở chỗ, vừa được giải trí, các em vừa được lĩnh hội các kiến thức về khoa học, vốn được xem là khô khan, khó nuốt. “Đừng buộc các em học thuộc mớ lý thuyết khoa học, hãy để chúng va chạm với thực tế, các em sẽ say sưa với việc nghiên cứu, sáng tạo”, tiến sĩ Giáp Văn Dương, tiến sĩ ngành vật lý kỹ thuật Đại học Công nghệ Vienna (Áo) khẳng định như vậy. Tại tọa đàm về thói quen đọc sách khoa học do Đông A Book tổ chức tại TP.HCM vừa qua, các diễn giả cũng thống nhất việc phải tạo hứng khởi về khoa học cho thiếu nhi, thế hệ nắm giữ tương lai đất nước là nhiệm vụ của rất nhiều ngành, không chỉ là giáo dục. Và, đưa khoa học ra khỏi giảng đường, xuống sân trường, hay câu lạc bộ, các lớp học ngoại khóa… chính là giải pháp tối ưu nhất.
Ở quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, câu chuyện cho trẻ em tiếp xúc với khoa học đã khởi phát từ khá lâu. Ông Masaru Ibuka, đồng sáng lập Tập đoàn Sony, tác giả của hai cuốn sách giáo dục nổi tiếng mà nhiều bà mẹ tìm đọc Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn, Chiến lược của mẹ thay đổi cuộc đời con đã quyết định triển khai một chương trình thực hiện trách nhiệm xã hội là đưa khoa học đến với trẻ em nhằm mục đích: thắp lửa cho tình yêu khoa học ở thiếu nhi. “Tôi muốn giúp mọi trẻ em biến giấc mơ của chúng thành hiện thực, giấc mơ của thế hệ kế cận”, ông Masaru Ibuka chia sẻ về dự án của mình như thế. Đó cũng là lý do, không chỉ triển khai ở Nhật Bản, chương trình còn được Sony đem đến nhiều quốc gia khác nhau. Ở VN, từ năm 2011 đến nay, “Tìm hiểu khoa học cùng Sony” cũng đã triển khai được 8 buổi học ngoại khóa về khoa học, thu hút sự tham gia của hơn 850 em học sinh lớp 5 và lớp 6 đến từ 37 trường tiểu học và THCS tại Hà Nội và TP.HCM.
Điều đáng nói là không chỉ dừng lại ở việc giáo dục các em về kiến thức khoa học thực tiễn, khơi gợi tình yêu khoa học hay mang đến cho các em nhỏ niềm vui khi tự làm ra một sản phẩm công nghệ đầu tay… Sony còn nhân buổi học này giúp các em nâng cao ý thức bảo vệ môi trường như việc hướng dẫn các em sử dụng vật liệu tái chế để làm tai nghe, vừa hướng dẫn lắp ráp máy phát điện, vừa giúp các em hiểu rõ tầm quan trọng của nguồn điện…
Trải qua 50 năm, trong vô số các phát minh, cải tiến của người Nhật, tuy không có thống kê cụ thể bao nhiêu sáng kiến đã được hình thành từ thế hệ thiếu nhi được thắp lửa đam mê từ dự án dài hơi lẫn tâm huyết của ông Masaru Ibuka nhưng câu chuyện “Tìm hiểu khoa học cùng Sony” đã trở thành một hoạt động điển hình trong việc khơi gợi đam mê cho thế hệ trẻ qua nhiều thế hệ.
Mục tiêu đem khoa học ra khỏi giảng đường, tạo hứng khởi để những đam mê khoa học có thể chắp cánh chắc chắn sẽ đòi hỏi rất nhiều công sức của những cá nhân và tổ chức thật sự có tâm. Nhưng nếu chúng ta không thực hiện điều đó ngay từ bây giờ, việc thiếu hụt các phát kiến phục vụ cho đời sống tương lai sẽ là nguy cơ không thể tránh khỏi.
Bình luận (0)