Kích hoạt phương án sơ tán dân
Sáng nay, 9.11, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai đã họp với các bộ, ngành triển khai ứng phó cơn bão số 12 (có tên quốc tế là bão Etau).
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết lúc 8 giờ sáng nay, tâm bão số 12 còn cách bờ biển Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 450 km, với cường độ gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Trong sáng nay, các đài khí tượng quốc tế như Nhật Bản, Hồng Kông… đã có nhận định tương đối thống nhất về bão số 12 khi cho rằng bão đạt cường độ mạnh nhất ở trên biển với gió mạnh cấp 8 - cấp 9.
Dự báo đến 19 giờ tối nay, tâm bão cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận khoảng 230 km về phía đông. Vùng gần tâm bão, gió mạnh nhất ở cường độ cấp 9, giật cấp 11.
Trong 24 - 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi vào đất liền các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.
Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, các địa phương có kịch bản ứng phó bão đi vào đất liền với cường độ gió mạnh cấp 8 - cấp 11, sẵn sàng sơ tán 103.644 hộ dân với 403.426 người.
Các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận đã dự kiến 10 điểm bắn pháo hiệu báo bão. Cụ thể, tỉnh Bình Định 1 điểm, Phú Yên 1 điểm, Khánh Hòa 3 điểm, Ninh Thuận 3 điểm và Bình Thuận 2 điểm.
Chỉ đạo tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), cho rằng các điểm bắn pháo hiệu đến nay vẫn còn thưa.
Ông Hoài đề nghị liên hệ với các địa phương để bổ sung điểm bắn và trong đêm nay sẽ đồng loạt bắn pháo hiệu dọc theo ven biển để cảnh báo cho ngư dân, tàu thuyền trên biển khi bão đã gần bờ. Bên cạnh đó, ông Hoài yêu cầu đôn đốc các địa phương kích hoạt phương án sơ tán dân.
“Văn phòng phải có công văn đôn đốc địa phương triển khai ngay việc sơ tán dân đến nơi đảm bảo an toàn, trước hết là vùng bão ảnh hưởng trực tiếp; còn vùng mưa bão, lũ, ngập úng thì chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện sơ tán”, ông Hoài nói.
Ứng phó bão chồng bão, tổ hợp thiên tai nguy hiểm
Cũng theo ông Mai Văn Khiêm, sau cơn bão số 12, dự kiến sẽ có ngay cơn bão số 13 hướng vào các tỉnh Trung bộ khi đã ghi nhận một áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên vùng biển phía đông Philippines.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới này sẽ mạnh lên thành bão và đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 13 trong năm nay. Đây sẽ là cơn bão mạnh đạt cường độ cấp 11 trên Biển Đông. Dự báo ngày 14.11, bão số 13 ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Trung bộ.
Ông Trần Quang Hoài cho rằng, các trận mưa lũ, bão vừa qua khiến công tác khôi phục, tái thiết hạ tầng ở miền Trung đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều gia đình bị đổ sập nhà cửa, hư hỏng do gió bão chưa thể khôi phục được nên người dân vẫn phải ở tạm nơi sơ tán.
Qua các nhận định hiện nay, miền Trung sẽ hứng chịu liên tiếp 2 cơn bão thì các điều kiện ứng phó phải sẵn sàng cho tình huống bão chồng bão, không loại trừ các đợt mưa liên tiếp sau bão tiếp tục xuất hiện tổ hợp thiên tao nguy hiểm như đã xảy ra thời gian qua.
Theo đó, ông Hoài lưu ý các thành viên Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai thông báo đến các địa phương chuẩn bị các điều kiện ứng phó, đặc biệt là nhu yếu phẩm cần thiết.
Bình luận (0)