Lặng thầm, ít quảng bá nhưng những gì Aaron Toronto làm được trong Đêm tối rực rỡ khiến cho bộ phim Việt mang “mùi” lạ: không khoa trương giàu sang, không nam thanh nữ tú, không ma quỷ hù dọa hay đánh đấm tàn bạo, cũng không hài nhảm hay lấy giới tính thứ ba ra cười cợt mà khoét sâu vào tâm lý gia đình, nơi tình thương có lúc như bị sự hận thù khỏa lấp.
Phương Dung (trái) và Nhã Uyên trong phim |
ĐPCC |
Phải nhìn nhận một điều rằng đạo diễn Mỹ - người sinh ra ở Texas, lớn lên tận Mexico nhưng trưởng thành và thành danh nơi mảnh đất hình chữ S - quá dũng cảm. Việt Nam mang đến cho Aaron vợ con, một mái ấm và cả niềm mơ ước từ nhỏ: được làm phim. Thế nhưng nam đạo diễn lại chọn quay một bộ phim khó mà thu hút đại chúng: chẳng có diễn viên nổi tiếng, không bóng bẩy, mượt mà mà đầy gai góc, bi kịch và khởi đầu câu chuyện lại là một đám tang – đề tài ít có nhà làm phim Việt nào dám khai thác nếu không phải phim… kinh dị.
Đêm tối rực rỡ không xa lạ với mô-típ phim nước ngoài khi khởi đầu câu chuyện bằng một đám cưới hay đám tang. Nhưng phim Việt thì rõ ràng là hiếm! 12 giờ đồng hồ ngắn ngủi của đêm cuối một đám tang mà mọi hỉ - nộ - ái - ố xen lẫn bi-hài cuộc đời được lột tả, không phải mùi lạ của phim Việt thì là mùi gì?
Trailer phim Đêm tối rực rỡ |
CGV |
Dân xã hội đen đến đòi nợ ông Toàn chủ gia đình có cha vừa qua đời ngay đêm cuối của đám tang. Là tay mê cờ bạc, ông Toàn (Kiến An) làm đau vợ con qua bao năm tháng bằng nạn bạo hành gia đình, bằng uy hiếp tinh thần và giờ đây lại tiếp tục làm khổ. Ba người con ông Toàn là Kim Hoàng (Vũ Xuân Trang), Xuân Thanh (Nhã Uyên) và Kim Bảo (Kim B) gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách nhưng cũng đủ để hiểu tâm địa của nhau.
Một cái tứ như thế được Aaron Toronto đẩy lên đỉnh điểm bằng vô số chi tiết, lời thoại rất “đời”, lột tả khá đủ tâm lý từng nhân vật, tuy có đôi lúc quá ồn ào, cãi vã triền miên. Trong đám tang hỗn độn bao âm thanh của kèn trống, của lời cầu kinh, tiếng gõ mõ, giọng ca uốn éo của những chị “bóng gió” – thứ thường xuất hiện trong tang lễ ở Việt Nam – khán giả được tận mắt chứng kiến sự điên loạn của một gia đình xoay quanh chuyện tiền của, thừa kế với đủ mưu mô, xảo quyệt để chiếm đoạt.
Đêm tối rực rỡ lên án nạn bạo hành gia đình |
ĐPCC |
Sự tha hóa, nạn bạo hành được Aaron Toronto đưa vào khá tự nhiên trong Đêm tối rực rỡ khiến người xem như chứng kiến một câu chuyện đời đầy đau lòng ở đâu đó, gần lắm hay cũng có thể là trong chính gia đình mình.
Gia đình vẫn là nơi cất giữ tình yêu thương
Đó là thông điệp mà Đêm tối rực rỡ muốn chuyển tải. Xuân Thanh dù bị trầm cảm, bế tắc sau khi ly dị chồng vẫn tìm mọi cách, thậm chí là van xin chồng cũ cứu giúp gia đình trong cơn ngặt nghèo. Kim Bảo ngỗ ngược, từng nghiện ngập lại sẵn lòng bán cả tiệm xăm mới gầy dựng để có tiền chuộc mạng cha. Người mẹ (Phương Dung) dù nhu nhược, sợ chồng nhưng sau cùng vẫn nhận ra đâu là lẽ phải để phản kháng…
Dàn nhân vật trong Đêm tối rực rỡ đều có cá tính riêng, đầy tả thực và hòa quyện lại trong khối u mục ruỗng được nuôi dưỡng bằng bạo hành, bằng thói gia trưởng, bằng tư tưởng “câu nhịn chín câu lành” để hầu mong có một gia đình êm ấm, ít ra là bề ngoài. Gam màu u tối của phim nhuốm đầy mọi ngõ ngách, len lỏi vào tâm hồn của mỗi người trong gia đình. Cứ ngỡ bạo lực và sự điên loạn sẽ thắng thế. Nhưng rồi các thành viên vẫn còn giữ được sợi dây máu mủ, yêu thương để nhìn lại bản ngã, nhìn lại cuộc đời mà sống thiện lương.
Nhã Uyên và Huỳnh Đông trong phim Đêm tối rực rỡ |
ĐPCC |
Âm thanh, ánh sáng, góc quay của phim là sự kết hợp hài hòa với nội dung, góp phần đẩy cảm xúc người xem lên, lách vào nơi u tối nhất của tâm hồn mỗi người.
Tuy nhiên bộ phim đầu tay của Aaron Toronto chưa hẳn là hoàn chỉnh khi thiếu đi điểm lặng cần thiết giữa ồn ào, chửi rủa và thậm chí hạ sát nhau. Phút giây Xuân Thanh suýt tự tử vì bế tắc là khoảnh khắc hiếm hoi làm khán giả chùng lại giữa vô số tình tiết “căng như dây đàn”. Nhã Uyên diễn tốt các phân đoạn cần thể hiện tâm lý cao trào. Cô chính là vợ của Aaron Toronto, người đồng hành cùng anh trong việc tạo dựng kịch bản và động viên chồng can đảm bắt tay vào thực hiện bộ phim.
Kiến An cũng là một phát hiện thú vị khi thể hiện nhân vật Toàn vừa đáng thương vừa đáng trách. Ông làm mọi bí mật từ lâu của gia đình được giấu kín nay bung bét tất cả và coi như không phải trách nhiệm của mình!
Phần biên kịch và dựng phim của Đêm tối rực rỡ cũng chỉ vừa chạm nhẹ vào bề mặt tâm lý của từng nhân vật mà chưa thể lột tả tận cùng nỗi đau của họ và do đó khi xem khán giả có cảm thấy vị lạ của phim nhưng để khóc cười, đồng cảm với từng nhân vật thì chưa tới.
Cái kết của phim khiến một số khán giả không “đã nư” khi thiện – ác chưa được phân định rạch ròi, kẻ xấu chưa bị trừng trị hay người tốt có một “happy ending”. Nhưng điều đó khó thể làm cho Đêm tối rực rỡ kém “rực rỡ” trong lòng khán giả vì lâu lắm rồi điện ảnh Việt mới có một bộ phim về gia đình lột tả được bên dưới lớp vỏ bọc hào nhoáng là sự thối nát, mục ruỗng, là thói đạo đức giả và cả sự khoan dung, tha thứ.
Bình luận (0)