Các nhà nghiên cứu lịch sử xem cuộc khởi nghĩa này như là “đêm trước của Cách mạng Tháng Tám” ở khu vực Trung Trung bộ.
Năm 2016, trung tướng Nguyễn Đôn - thành viên cuối cùng trong 17 tay súng ngay từ buổi đầu thành lập Đội du kích Ba Tơ ra đi ở tuổi 98 tại Đà Nẵng. Hơn 10 năm trước, trong một cuộc phỏng vấn với vị tướng từng là Đội phó của Đội du kích Ba Tơ này, tôi có hỏi ông: “Ngày 9.3.1945, Nhật hất cẳng Pháp, mình nhận mật lệnh từ đâu để khởi nghĩa và giành được chính quyền vào ngày 11.3, trong khi chỉ thị của Trung ương Đảng “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” thì ra đời ngày 12.3.1945?”. Tướng Đôn trầm ngâm: “Thực ra, để có cuộc khởi nghĩa ấy, chúng tôi đã chuẩn bị từ khá lâu. Thành lập chi bộ Đảng tại Ba Tơ từ hơn một năm trước, là chúng tôi đã nuôi ý định khởi nghĩa rồi. Nhưng để đưa ra thời điểm khởi nghĩa là cả một sự cân nhắc, vì sớm hơn cũng không được mà muộn hơn cũng không xong”.
Rõ ràng, thời khắc lịch sử mà những người tù cộng sản ở Ba Tơ đã chọn lựa để hành động quả là một sự mẫn cảm chính trị không dễ có được. Có lẽ những năm tháng trui rèn trong các nhà tù thực dân Pháp đã giúp cho họ một nhãn quan chính trị có thể nhìn thấy sự chín muồi của thời cơ để giành lấy chính quyền. Như là sự sắp đặt của lịch sử, những người tù cộng sản từ khắp nơi lại tụ hội về đây dưới danh nghĩa “căng an trí”, vô tình đã giúp họ dựng nghiệp lớn, làm nên cuộc cách mạng mà dư ba của nó lay động suốt chiều dài lịch sử 75 năm qua: Khởi nghĩa Ba Tơ.
|
Tính chuyện lớn từ “căng an trí”
Có lẽ thực dân Pháp khi nhận ra sự sai lầm của họ thì đã quá muộn. Từ những năm bốn mươi của thế kỷ trước, Pháp đã chọn nơi đây làm chỗ “an trí”, gọi là căng an trí Ba Tơ, cho những người cộng sản mãn hạn tù từ các nhà lao khét tiếng như Ban Mê Thuột, Kon Tum, Đăk Glei... Dù đã mãn hạn tù, song chính quyền thực dân không thể yên tâm với những “ông đỏ” này nếu để họ trở về làng rồi tiếp tục hoạt động chống lại sự cai trị của thực dân Pháp. Thôi thì mượn nơi rừng thiêng nước độc Ba Tơ để giết chết ý chí đấu tranh của những người cộng sản này.
Dù không phải nhà lao, lại được núp dưới danh nghĩa là “căng an trí” nhưng những người cựu tù ấy đã phải trải qua một cuộc sống vô cùng khắc nghiệt của khí hậu nơi đây cùng với những quy định khá ngặt nghèo của tên cai ngục người Pháp. Những người cựu tù này tự làm tự nuôi nhau. Hằng ngày họ phải điểm danh hai lần mỗi sáng sớm trước khi vào rừng lao động kiếm ăn và mỗi tối sau một ngày vất vả trở về. Những người cộng sản đã tranh thủ kẽ hở của một ngày “tự do” ấy để bàn mưu tính kế. Chi bộ Đảng Cộng sản được thành lập ngay tại căng an trí này để tính kế cho một cuộc chiến đấu dài lâu mà chính quyền thực dân ở Ba Tơ không hề hay biết.
Cần biết rằng, không phải ai mãn hạn tù cũng được Pháp đưa lên Ba Tơ để “an trí” mà có mặt tại vùng rừng này đều là những người cộng sản ưu tú nhất và kiên trung nhất. Tập trung họ về một chỗ, vô tình thực dân Pháp đã tạo điều kiện để những người cộng sản bàn chuyện mưu lược. Cuộc khởi nghĩa ngày 11.3.1945 là kết quả của những cuộc “bàn mưu” ấy.
Cuộc khởi nghĩa của những vị tướng tương lai
Bây giờ, từ quốc lộ 1 ngược quốc lộ 24 lên thị trấn huyện lỵ Ba Tơ chừng 30 phút đi xe máy nhưng 75 năm trước, một liên lạc viên phải “chạy hỏa tốc” suốt đêm chỉ để thông báo cho những người tù ở Ba Tơ một tin vô cùng quan trọng: Nhật đảo chính Pháp đêm 9.3.1945! Tướng Đôn nói rằng, ông và những người đồng chí đã chờ đợi thời khắc ấy từ khi đặt chân lên căng an trí này. “Nếu Nhật chưa hất cẳng Pháp mà ta khởi nghĩa thì sẽ bị quân Pháp ở Ba Tơ đàn áp ngay. Nhưng một khi Nhật đã đảo chính thì lính Pháp ở Ba Tơ như rắn mất đầu. Đó chính là thời cơ thuận lợi nhất vì phát xít Nhật chưa thể tiếp quản Ba Tơ từ tay Pháp”, tướng Đôn phân tích.
Nhận được mật báo quan trọng ấy, ngay trong chiều 11.3.1945, một cuộc mít tinh do những người cộng sản ở Ba Tơ tổ chức. Sau cuộc mít tinh là quần chúng xông vào chiếm đồn huyện lỵ. Tên quan ba của Pháp, quất ngựa chạy thẳng lên Kon Tum. Chính quyền cách mạng được thành lập, 17 tay súng đứng dưới cờ đỏ sao vàng xin thề “Hy sinh vì Tổ quốc”. Đội du kích ấy do Phạm Kiệt làm Đội trưởng, hai Đội phó là Nguyễn Khoách và Nguyễn Đôn.
Từ một đội du kích vài mươi tay súng, đội quân non trẻ ấy nhanh chóng “nhân lên” và gấp rút chuyển về đồng bằng với hàng ngàn thanh niên được tuyển mộ để hình thành nhiều đơn vị quân đội ở hai chiến khu bắc và nam Quảng Ngãi. Chính đội quân này cùng với lực lượng quần chúng đã đứng lên khởi nghĩa vào tháng 8.1945, giành chính quyền về tay nhân dân.
Gần 20 đội viên du kích ngày ấy, sau này trở thành những tướng lĩnh lừng danh của Quân đội Nhân dân VN. Như trung tướng Phạm Kiệt, người mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp không tiếc lời khen ngợi vì đã ủng hộ ông hết mình trong việc kéo pháo ra để “đánh chắc thắng chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ sau chuyến đi thực tế chiến trường trở về. Nhãn quan của một vị tướng từng lãnh đạo Đội du kích Ba Tơ từ trong trứng nước đã góp phần làm nên trận Điện Biên lẫy lừng. Hay như tướng Nguyễn Chánh, Tư lệnh Quân khu 5 trong kháng chiến chống Pháp, người từng làm cho quân Pháp mất ăn mất ngủ suốt “chín năm”. Rồi trung tướng Nguyễn Đôn, trung tướng Trần Quý Hai, thượng tướng Trần Nam Trung..., mỗi người một nhiệm vụ, một vị trí nhưng tất cả đều là những vị tướng thao lược, góp phần làm nên thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh giành độc lập và giữ nước của dân tộc ta thế kỷ 20.
Chiến khu xanh
“Nếu chỉ khởi nghĩa và giành chính quyền sớm nhất mà nay dân vẫn cứ khổ nghèo thì thật có lỗi với tiền nhân”, ông Đinh Ngọc Vỹ, Bí thư Huyện ủy Ba Tơ, tâm tình khi được hỏi một câu quen thuộc: “Đời sống của đồng bào Hrê hiện nay thế nào?”.
Ông Vỹ không khoe với khách về việc Ba Tơ đón nhận danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới mà lại thông báo rằng, huyện đã dẹp bỏ chính sách “cử tuyển” đối với con em đồng bào dân tộc mà “chơi sòng phẳng” mấy năm nay rồi. Nghĩa là, các em đồng bào Hrê chỉ được ưu tiên khu vực chứ không phải “không thi cũng đậu”. Ấy thế mà “giờ các em tốt nghiệp đại học chính quy nhiều quá, mà biên chế của huyện thì có hạn nên họ “tự biên chế” thôi.
“Tự biên chế” là cách nói hình ảnh về việc những thanh niên người Hrê ở Ba Tơ làm giàu trên chính mảnh đất ra đời của đội du kích năm xưa bằng kiến thức mà họ học được từ các trường đại học. Đi dọc quốc lộ 24 lên Kon Tum bây giờ như lạc vào những cánh rừng keo bạt ngàn, trải dài mút mắt. Rừng cây của người Hrê chiếm phần lớn chứ không phải của đầu nậu dưới xuôi lên trồng, điểm khác biệt của Ba Tơ với nhiều huyện vùng cao Quảng Ngãi là ở chỗ này.
Bây giờ mà đi thống kê bình quân lương thực trên 500 kg/đầu người trong năm để nói về thành quả của Ba Tơ sau 75 năm khởi nghĩa thì quả là ngô nghê. “Bữa nay phải tính là bao nhiêu gia đình ở Ba Tơ có ô tô chứ thống kê lúa với củ mì làm gì!”. Một chủ quán ăn đã nói như thế với tôi khi tôi dò la để biết về mức sống của đồng bào vùng cao ở đây.
Thông tin đó đủ nói lên rằng, sự no ấm đã đến với vùng đất được xem là “chiếc nôi của cách mạng” này.
|
Bình luận (0)