Nguyễn Thị Huyền Trang, 28 tuổi, cựu du học sinh Khoa truyền thông toàn cầu, Trường ĐH Kobe Gakuin, đang làm việc tại Công ty cổ phần Keitem Nhật Bản, cho biết cô đang trong những ngày làm việc cuối cùng trong năm, chuẩn bị cho kỳ nghỉ ăn Tết Nguyên đán tại quê nhà, ở thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.
“Dù nhiều năm qua, năm nào tôi cũng về Việt Nam ăn tết nhưng cảm giác lúc nào cũng chộn rộn, náo nức, đặc biệt là những ngày cuối năm này. Chắc chắn mẹ sẽ nấu rất nhiều món ăn ngon đợi con gái về. Tết Nguyên đán năm ngoái tôi về ăn nhiều bánh chưng, chả nem... đến mức mà tăng vài ký lô… Để có những ngày đoàn tụ cùng gia đình, tôi phải làm việc chăm chỉ và tiết kiệm khoản tiền không nhỏ để mua vé máy bay cũng như các chi phí khác, tuy nhiên tiền có thể làm ra được, tết không ở bên gia đình thì mất hết ý nghĩa”, Trang chia sẻ.
|
Võ Trung Nghĩa, 21 tuổi, du học sinh Trường ĐH Quốc gia Điện ảnh và truyền hình Saint Petersburg, Nga, cho biết anh đang háo hức đếm tới ngày 26 âm lịch để lên máy bay về quê. Vé tàu xe, vé máy bay đã được anh Nghĩa chuẩn bị từ trước đây 2 tháng.
“Năm nào cũng về nhà nhưng năm nào cũng vậy, tôi vẫn thấy háo hức, nhất là khi về dịp tết. Khi đi xa gia đình rồi, tôi ngóng đợi tết hơn bao giờ hết. Để về quê trong tinh thần tốt nhất và phấn khởi nhất, tôi cần phải thi với điểm cao nhất có thể, nên bây giờ đang rất tập trung ôn tập. Sau đó, tôi sẽ đi mua quà về cho gia đình. Ở Việt Nam rất chuộng thực phẩm Nga nên tôi thường mua hạt hướng dương hay hạt bí, đùi ngỗng, thịt nguội để cùng mọi người ăn tết. Cảm giác được ăn tết cùng mọi người thân yêu với những đồ mình mang về từ Nga rất thú vị. Tôi nhớ nhà kinh khủng, bây giờ chỉ muốn về nhà thật nhanh để phát quà tết cho mọi người thôi”, Nghĩa bộc bạch.
|
Đoàn Phan Duy, 20 tuổi, sinh viên năm nhất Trường ĐH tổng hợp Saint Petersburg, Nga, cho hay: "Tôi hay bị trêu là về Việt Nam nhiều quá vì mới qua một năm đã về 2 lần rồi. Nhưng có lẽ từ bé tôi đã ảnh hưởng tâm lý từ người anh của mình, nên là dù có đi đâu thì nhà vẫn là số một. Năm nay Tết Nguyên đán lại trùng đúng đợt nghỉ đông nên tôi quyết định mua vé về quê. Mặc dù bên này sẽ có hội người Việt tổ chức đón tết vui cho các du học sinh nhưng nó vẫn có gì đó thiếu không khí tết cổ truyền, như cây đào, đi chúc tết, cảm giác quây quần đêm giao thừa, xem pháo hoa… Dịp về nhà mùa hè vừa qua, do có trục trặc nên tôi không thể mang quà về cho gia đình được, nhưng mọi người động viên, bảo là con về đã là món quà lớn nhất rồi. Tết này tôi sẽ mua thật nhiều quà bù về cho gia đình, để mọi người có nhiều hơn là 'món quà lớn nhất' này”.
|
Vũ Đình Hùng, 20 tuổi, sinh viên năm nhất Trường ĐH Sư phạm Herzen Nga, xúc động: “Hơn một năm rồi tôi xa nhà, nên đếm từng ngày để đến lúc được về nhà. Tôi đã chuẩn bị các món quà cho người thân ở nhà, trong đó có búp bê Matryoshka, đồ lưu niệm World Cup 2018, bánh, kẹo, socola, trà của Nga. Thực tế, tôi thấy mua như thế nào cũng thấy thiếu vì mình muốn mang cả nước Nga về nhà, tiếc là không mang tuyết về được. Về Việt Nam, tôi sẽ có những buổi gặp mặt gia đình, người thân, sau đó là gặp bạn bè, gặp những du học sinh khác cũng về Việt Nam dịp tết, tất cả đều đã được lên lịch hẹn”.
Nhiều du học sinh vì nhiều lý do không về Việt Nam dịp Tết Nguyên đán, họ cho biết sẽ gọi điện video để nói chuyện với gia đình, cùng “ăn tết online”. “Tôi luôn mong ước mọi người thân trong gia đình mình bình an, mạnh khỏe”, anh Lê Chí Tài, Phó chủ tịch hội sinh viên Việt Nam tại Đức, nói.
Lê Vũ Thục Anh, 18 tuổi, du học sinh Trường ĐH Paris Sud (Paris XI), Pháp cho hay đây sẽ là cái tết đầu tiên cô ăn tết xa cha mẹ và em trai, cô rất nhớ mẹ, càng đến gần tết, cảm giác muốn được gần mẹ lại lớn hơn bao giờ hết. May mắn Thục Anh có nhiều người thân khác tại Pháp nên cảm giác cũng sẽ bớt tủi thân trong những khoảnh khắc giao thừa, năm mới...
Bình luận (0)