Đến 2020, trần thuế môi trường với xăng mới có cơ hội tăng lên 8.000 đồng/lít

08/06/2018 15:12 GMT+7

Ít nhất đến đầu năm 2020, trần mới của thuế bảo vệ môi trường đối với xăng mới có thể lên mức 8.000 đồng/lít, nhưng rất có thể cuối năm nay, thuế sẽ lên “kịch trần” 4.000 đồng/lít.

Đây là nội dung vừa được 426/426 đại biểu tán thành thông qua vào chiều 8.6 trong Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.
Theo đó, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 6, dự kiến sẽ tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, theo đề nghị của Chính phủ.
Quốc hội cũng quyết định điều chỉnh thời gian trình 2 dự án luật: luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thi hành án hình sự sang cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 6; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế bảo vệ môi trường được lùi từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 vào cuối năm 2019.
Như vậy, theo đúng quy trình, ít nhất kỳ họp thứ 9, đầu năm 2020, dự án luật mới được thông qua, đồng nghĩa với trần thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ giữ ổn định ở mức 4.000 đồng/lít thay vì mức 8.000 đồng/lít mà Bộ Tài chính đề xuất.
Ngoài Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường, Quốc hội đã bổ sung 5 dự án luật vào chương trình 2018. Đầu tiên là luật có cái tên dài kỷ lục (68 chữ), luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Dược; luật An toàn thực phẩm; luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; luật Điện lực; luật Hóa chất; luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; luật Khoa học và công nghệ; luật Trẻ em; luật Công chứng; luật Đầu tư; luật Đầu tư công; luật Xây dựng và luật Quy hoạch đô thị (luật sửa 13 luật liên quan đến luật Quy hoạch) theo quy trình 1 kỳ họp.
Thứ hai là bổ sung luật Công an nhân dân (sửa đổi) vào cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6. Thứ ba là luật Sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch (cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 6 theo quy trình tại một kỳ họp). Thứ tư là luật Quản lý thuế (sửa đổi), được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6. Cuối cùng là luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đầu tư công, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6.
Ba dự án: luật Dân số; luật Quản lý phát triển đô thị và luật Công an xã đã được đưa khỏi chương trình năm 2018.
Năm 2019, Quốc hội sẽ cho ý kiến và thông qua tổng cộng 28 dự án luật, trong đó có một số dự án luật đáng chú ý như: luật Hành chính công (sáng kiến lập pháp đầu tiên của đại biểu Quốc hội, dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 7); bộ luật Lao động (sửa đổi); luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đất đai (cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7); luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đầu tư và luật Doanh nghiệp...
Tại báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về hoạt động lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của các đại biểu về việc chương trình xây dựng luật chưa sát thực tế; công tác tổng kết thực tiễn trong xây dựng luật chưa toàn diện; một số báo cáo đánh giá tác động chính sách còn sơ sài; nhiều trường hợp cơ quan soạn thảo chưa quan tâm đúng mức đến nhiệm vụ xây dựng pháp luật, chưa dành thời gian hợp lý, đề cao trách nhiệm trong việc chuẩn bị dự án; hồ sơ gửi chậm; việc lấy ý kiến còn hình thức; công tác thẩm định, thẩm tra một số dự án chất lượng chưa cao...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ cùng với Chính phủ nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện chương trình lập pháp. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.