(iHay) Mì kishimen còn gọi là mì dẹp hay mì phẳng bán ở khắp nước Nhật. Tuy nhiên theo nhiều người đánh giá, do thổ nhưỡng, nguồn nước và hoặc có thể là do Aichi là nơi đầu tiên sáng chế ra loại mì độc đáo này nên cho ra sợi mì dai và vị ngon nhất.
|
Không chỉ nổi tiếng với sushi và mì ramen, Aichi - một tỉnh miền trung của nước Nhật cũng gây ấn tượng với du khách qua món mì kishimen. Có nhiều tài liệu cho rằng, mì kishimen là nền tảng để người Tokyo sáng chế ra sợi mì Udon vang danh khắp chốn.
Mì kishimen hay còn gọi là mì dẹp, được làm từ bột gạo và bột mì nhồi với nước ngầm lấy từ trong núi rồi kéo thành sợi. Do điều kiện tự nhiên đặc biệt nên sợi mì làm tại Aichi bao giờ cũng dẻo và dai hơn, khi nấu lên sẽ không bị bở. Hơn nữa, do có hình dạng dẹp nên khi nấu trong nước dùng, mì sẽ thấm đều gia vị làm món ăn thêm đậm đà.
Rất nhiều du khách ăn mì dẹp thường tìm đến nhà hàng Mya Kishimen bên trong khuôn viên đền Atsuta. Đây là ngôi đền trang nghiêm thứ nhì Nhật Bản, với lịch sử 2000 năm, nơi còn lưu giữ nhiều kỉ vật của hoàng gia nước Nhật.
Có nhiều truyền thuyết xoay quanh ngôi đền góp phần thêm cho sự huyền bí thu hút khách đến thăm Atsuta. Một trong những câu chuyện đó là khi nguyện cầu tại đền Atsuta, bạn và người bạn ghét sẽ không bao giờ gặp nhau nữa. Các cặp đôi đã chia tay nhau thường thích đến đây, bởi tin rằng sau khi nguyện cầu thì cả hai người đều “đường ai nấy đi”, chia tay trong êm đẹp. Những người làm kinh doanh thì đến xin không gặp bạn hàng xấu… Thêm một điều kì diệu khiến đền Atsuta luôn đông đúc là nhờ chiếc giếng cổ phía sau chứa loại nước đặc biệt. Những người đến tham quan sẽ tranh thủ rửa mặt bằng loại nước lấy từ chính cái giếng này bởi họ tin rằng làm vậy sẽ càng đẹp và được nhiều người yêu mến, thuận lợi trong công việc. Cho nên, mỗi ngày đền Atsuta thu hút hàng ngàn lượt khách đến viếng.
Sau khi nguyện cầu, rời khỏi điện thờ chính, người ta bước vào nhà hàng Mya Kishimen để thưởng thức một tô mì nóng hổi như một nghi thức để hoàn thành chuyến “hành hương” của mình. Trong không gian nhỏ ấm cúng, nhiều người già trẻ cùng ngồi ăn với nhau rất vui vẻ. Nhìn về phía trước sẽ thấy các đầu bếp đang bận bịu. Người thì trụng mì, bác bếp cả thì đang múc nước dùng, nêm gia vị cho từng tô. Nước dùng để chan vào mì được nấu từ tương, góp phần làm nên vị ngọt đậm đà của nước súp. Bác bếp trưởng sẽ lấy mì đã trụng cho vào nồi, thêm nước dùng và gia vị vào rồi nấu lại trong một phút rồi trút ra tô, chuyển cho anh phụ bếp. Người đó có nhiệm vụ để lên phía trên một miếng chả cá, vài miếng đậu phụ chiên, ít rau bó xôi luộc, thêm vào chút cá bào khô rắc lên trên đủ màu để trên quầy cho khách. Mya Kishimen là nhà hàng tự phục vụ, khách gọi món và đợi, khi nghe thông báo tên mì thì đứng trước quầy hàng để lấy. Nhìn tô mì đủ sắc màu, nước màu nâu cánh gián cùng với màu trắng ngà của sợi mì điểm chút xanh của rau, miếng cá chả cá trắng hồng làm thành tổng thể hài hòa, ai cũng muốn ăn thêm tô nữa bất chấp giá bán một phần ăn hơn 180.000 đồng.
Có nhiều món nên thử khi đến Aichi, như bánh bột gạo rưới tương đậu nành, cánh gà chiên tiêu, kem vị tương miso và đừng quên thưởng thức một tô mì dẹp đúng phong cách Aichi, đúng phong vị của người miền trung “trái tim” của nước Nhật.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Bình luận (0)