Sắc màu gợi nhớ
Màu rượu vang khá đặc trưng, không tím, nâu hay sô cô la, cũng chẳng phải hổ phách như các dòng rượu mạnh. Trên thương trường quốc tế, cho dù người ta quen gọi vang đỏ (red wine) và vang trắng (white wine), nhưng khi đề cập đến màu của một tà áo, túi xách, thỏi son... mà không thấy giống những màu phổ thông, người ta gọi màu Bordeaux. Bordeaux vì thế đã tự nhiên biến thành tính từ thay vì danh từ.
Thế nhưng, địa danh Bordeaux chẳng biến đi đâu cả, nó vẫn hiện hữu ở miền nam nước Pháp với những cánh đồng nho ngút ngàn và cho ra lò những chai rượu vang nổi tiếng khắp thế giới từ mấy trăm năm trước. Trong danh sách những quốc gia có diện tích đất trồng nho rộng nhất thế giới, nước Pháp đứng thứ hai (8.640 km2) chỉ sau Tây Ban Nha (11.750 km2).
Tuy vậy, công việc trồng nho và làm rượu vang không phải xuất phát từ Pháp hoặc Tây Ban Nha, mà là Hy Lạp. Người Hy Lạp biết sản xuất rượu vang từ khoảng… 7.000 năm trước, sau đó mới lan truyền ra toàn lãnh thổ châu Âu và các châu lục khác.
tin liên quan
Hoang vu Sơn Hải ở Ninh ThuậnNhỏ bạn nhắn ra Phan Rang để dẫn đi chơi Sơn Hải, sợ mai mốt khu vực này xây nhà máy thép và điện hạt nhân thì chỉ có nước đứng khóc. Nghe thế, không cần suy nghĩ lâu, tôi chạy vội ra bến xe mua cái vé đi Phan Rang và xuất hiện tại Tháp Chàm, vùng đất của các vị vua Champa với nhiều giai thoại huyền bí.
Khi đặt chân đến vùng Bordeaux, nhìn những cánh đồng nho miên man tận chân trời, tôi liền nhớ ngay đến vùng đất Ninh Thuận. Cây nho ở Ninh Thuận được chính người Pháp trồng thử nghiệm vào năm 1960. Tại sao lại là Ninh Thuận mà không phải vùng đất nào khác? Câu trả lời nằm ở thổ nhưỡng và khí hậu.
Ninh Thuận và cả tỉnh Bình Thuận láng giềng là những vùng đất có lượng mưa thấp nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Với vùng đất “có cái nắng, có cái gió” mà lại ít mưa như vậy khiến phần lớn đất đai của 2 tỉnh này trở nên khô cằn, rất khó để trồng cây lương thực nhưng lại phù hợp với cây nho hoặc thanh long.
Giống nhau ở điểm cùng trồng cây nho, nhưng sự khác biệt nằm ở chỗ diện tích canh tác của Ninh Thuận mặc dù cao nhất nước (khoảng 1.200 ha) nhưng xem ra quá khiêm tốn so với vùng Bordeaux. Diện tích ấy của Ninh Thuận chỉ bằng một trang trại của điền chủ trồng nho ở Pháp mà thôi.
Như thế này cho dễ hình dung, các chủ nông trại ở Bordeaux thỉnh thoảng phải dùng đến máy bay trực thăng để từ trên cao mới có thể kiểm tra trang trại rộng bao la, giống mấy ông chủ người Pháp dùng máy bay 1 cánh quạt hạng nhẹ đi thăm đồn điền cao su ở vùng Đông Nam bộ của nước ta hồi xưa.
Thôn nữ đâu rồi?
Theo thống kê, lượng nho trên toàn thế giới được sử dụng để sản xuất rượu vang (71%), ăn tươi (27%), nho khô (2%). Số liệu ấy cho biết trồng nho để làm rượu vang vẫn là chủ lực. Thời xa xưa, ở vùng Bordeaux này người ta sản xuất rượu vang bằng thủ công. Trong đó, công đoạn nghiền trái nho tan thành nước do các thôn nữ đảm trách (tạm gọi “vang thôn nữ”).
Trước khi vui vẻ “giẫm đạp” một cách hồn nhiên những chùm nho trong bồn, các thôn nữ người bản địa phải tắm rửa sạch sẽ, nhất là kỳ cọ thật kỹ đôi chân, nhằm giúp cho nước nho thêm phần “tinh khiết”, hợp vệ sinh, rồi mới đến các công đoạn khác.
tin liên quan
Giống ổi mới trồng trong chậu nhỏ cho nhiều tráiSau một thời gian thí điểm, đến nay ông Nguyễn Thành Đại (Q.12,
TP.HCM) đã trồng thành công thêm một giống ổi mới.
Ngày nay, theo đà thiên hạ thưởng thức rượu vang “ào ào” như uống sữa, không hãng nào còn áp dụng phương pháp nghiền nho bằng đôi chân thôn nữ nữa, giao cho máy móc làm tất thảy. Cả đời tôi chưa khi nào (và có thể sẽ chẳng bao giờ) được thưởng thức một cốc “vang thôn nữ” nên không biết mùi vị của nó thế nào!
Có lẽ vì lý do đặc biệt ấy, theo lời kể, có đại gia nọ sống ở New York (Mỹ) gửi email cho một hãng rượu ở Bordeaux (miền nam nước Pháp có rất nhiều hãng rượu) đặt làm 1 thùng 12 chai “vang thôn nữ chính hiệu”, giá bao nhiêu cũng được, thanh toán sòng phẳng. Thế nhưng ông chủ hãng rượu vang từ chối đơn đặt hàng với lý do hết sức tự nhiên: “Mấy cô thôn nữ xinh đẹp ở vùng này kéo nhau lên thủ đô Paris kiếm chồng hết ráo rồi, còn ai đâu mà đạp nho!”. Quả là một sự thật đau lòng, cám cảnh, nhưng biết làm sao được!
|
“Vang thôn nữ” made in Vietnam
Cho dù đã rất cố gắng, nỗ lực hết sức nhưng rượu vang made in Vietnam sản xuất theo quy trình công nghiệp như hiện nay chẳng thể nào cạnh tranh nổi với vô số các loại vang danh tiếng trên thế giới đang bày bán la liệt trên thị trường nội địa. Ngay cả dùng để ăn tươi, nho Việt Nam cũng khó cạnh tranh với nho ngoại nhập.
Số phận của quả nho Ninh Thuận vì thế có phần hẩm hiu. Tuy vậy, theo tôi vẫn còn một lối ra, đó là chúng ta thử sản xuất “vang thôn nữ” bằng phương pháp truyền thống của người châu Âu xem sao. Biết đâu. Nghe đến đây, anh bạn đồng nghiệp quê ở Ninh Thuận tặc lưỡi: “Chà, cái này khó à nha!”. Tôi hỏi: “Khó thế nào?”. Anh ta than thở, y chang ông chủ hãng rượu vang nọ ở Bordeaux: “Mấy cô gái xinh đẹp ở xứ này kéo nhau vô Sài Gòn hết rồi, còn ai đâu mà đạp nho!”.
Có thể những người đẹp trưởng thành của xứ Phan Rang-Tháp Chàm đã kéo nhau vào Sài Gòn hoặc đi đâu đó lập nghiệp, nhưng vẫn còn một lực lượng hùng hậu đảm trách công việc đạp nho, đó là những thiếu nữ tuổi teen (13 - 19 tuổi). Lứa tuổi này ở tỉnh Ninh Thuận không thiếu, chính là các nữ sinh cấp 2 và cấp 3.
Thời trước, các nước trên thế giới sử dụng nguồn nhân lực để sản xuất “vang thôn nữ” đều nằm trong lứa tuổi này. Giải quyết nguồn nhân lực tuổi teen ở Ninh Thuận (và cả Bình Thuận, Lâm Đồng) để sản xuất “rượu vang thôn nữ”, nếu thành công, sẽ giải quyết được 2 vấn đề: một là, các học sinh trung học của miền đất nghèo khó ấy có thêm việc làm chính đáng, có thu nhập nhằm giúp gia đình đồng thời hỗ trợ chuyện học hành của chính mình; hai là, giúp quả nho Ninh Thuận “lên ngôi”.
Một khi đã “lên ngôi” thì tức khắc du khách sẽ tìm đến, ngành du lịch Ninh Thuận chắc chắn sẽ được hưởng lợi, chứ không èo uột như hiện nay. Biết đâu trong số nữ du khách khắp mọi miền đến tham quan Ninh Thuận, có người tò mò, tình nguyện nhảy vào cùng đạp nho thì sao? Thú vị đấy chứ!
Kinh doanh phải giữ chữ tín. Một khi đã chịu sản xuất “vang thôn nữ” thì dứt khoát đó phải là thôn nữ, được huấn luyện “chân nghề” bài bản, chứ không thể bí quá “điều” đại phụ nữ U.50, U.60 vào đạp nho thì mẻ rượu vang ấy không biết sẽ có… hương vị như thế nào nữa!
Nói như vậy không phải chê các chị, các bà không biết đạp nho, mà vì triết lý của người phương Tây về dòng “vang thôn nữ” có phần khắt khe, rằng: người lao động phải là những cô gái trẻ, cơ thể thanh khiết, chưa “vướng bụi trần”, nói chung phải bảo đảm tính truyền thống và lãng mạn đúng kiểu Pháp. Một khi tuân thủ đúng những yêu cầu “khó tính” ấy, ly “vang thôn nữ” chắc sẽ đậm đà vô cùng.
Bình luận (0)