Chùa Hà hay còn được gọi là Thánh Đức Tự, tại đây không thờ ông Tơ, bà Nguyệt nhưng từ lâu trở thành một địa chỉ tâm linh được nhiều người tìm đến để cầu duyên.
Theo ghi nhận của Thanh Niên chiều 14.2 (mùng 5 tết), khá đông bạn trẻ, du khách sắm sửa lễ vật đến chùa Hà. Ngoài cầu bình an, xin lộc cho bản thân và gia đình dịp đầu năm, nhiều người đến đây mong chuyện tình duyên thuận lợi.
Chị Tô Thị Thu Trang (trú Q.Đống Đa, Hà Nội) cho biết, nhân dịp mùng 5 tết cũng như ngày lễ Tình nhân nên chị cùng người thân đến chùa Hà du xuân, cầu mong sức khỏe và có một tình yêu trọn vẹn.
"Tôi đã đến chùa Hà khoảng 5 lần, mỗi lần đến cầu duyên tôi đều thấy chuyện tình yêu của mình thuận lợi, suôn sẻ", Trang nói.
Giống như Thu Trang, chị Nguyễn Bích Mai (trú H.Đông Anh) vượt quãng đường hơn 20 km đến chùa Hà để cầu duyên dịp này.
"Chùa Hà lâu nay nổi tiếng về cầu duyên nên tôi cùng bạn đến đây để hy vọng có một tình yêu mới. Không khí ngày hôm nay rất nhộn nhịp, chắc chắn nhiều bạn trẻ cũng có mong ước giống như tôi", Mai nói.
Đến chùa Hà, người dân cần chuẩn bị 3 mâm lễ, theo thứ tự dâng lên ban Tam Bảo cầu bình an sức khỏe, sau đó khấn Đức Ông cầu công danh sự nghiệp và cuối cùng là dâng lễ điện Mẫu để cầu duyên.
Lễ vật cầu duyên được chuẩn bị gồm vàng hương, trầu cau, bánh kẹo, sớ xin duyên, nến hồng hoặc đỏ và không thể thiếu hoa hồng, loài hoa tượng trưng cho tình yêu đôi lứa. Những bài văn khấn, lá sớ viết sẵn được bày bán với mức giá từ 20.000 - 50.000 đồng. Người dâng lễ chỉ cần điền tên, tuổi, địa chỉ và những điều mong cầu, đặt vào mâm lễ dâng trước điện Mẫu.
Đi chùa cầu duyên là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam mỗi dịp đầu xuân năm mới. Dù chưa được kiểm chứng, nhưng bản thân những người làm lễ cầu duyên tại chùa Hà cho rằng đó là việc làm khiến cho tâm hồn thanh thản, an nhiên hơn, giúp cân bằng cảm xúc trong tình yêu.
Nhiều thiếu nữ đến đây cầu duyên để mong tìm được nửa kia của mình
NGUYÊN QUANG
Bình luận (0)