Phần 1 của chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến chủ đề "Chọn ngành học cho tương lai: Khối ngành công nghệ và công nghệ thông tin" vừa diễn ra vào sáng 28.2 với nhiều thông tin hữu ích.
Cơ hội việc làm lớn…
Trong chương trình, tiến sĩ Nguyễn Kim Quốc, Trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết cơ hội việc làm của khối ngành công nghệ rất lớn. Hiện Việt Nam có 240 trường đào tạo khối ngành này và mỗi năm có dưới 50.000 người tốt nghiệp. Trong khi nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là lên tới 70.000 người.
Bên cạnh đó, thạc sĩ Dương Trần Minh Đoàn, Trưởng phòng Hướng nghiệp Trường ĐH Quản lý và công nghệ TP.HCM cho hay: "Có thể thấy các học sinh ngày càng quan tâm tới lĩnh vực công nghệ. Thứ nhất là nhờ công tác xã hội, hướng nghiệp mạnh mẽ trong thời gian qua, thứ hai phải nói tới cơ hội việc làm lớn. Các trường CĐ, ĐH, học viện cũng nhìn nhận rõ sự phát triển này nên cập nhật chương trình đào tạo, tầm nhìn tới 2030".
Nói về cơ hội việc làm, thạc sĩ Huỳnh Trọng Hiếu, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, cho biết sinh viên tốt nghiệp khối ngành công nghệ-công nghệ thông tin bậc CĐ có thể ứng dụng đi làm ngay.
Theo ông Hiếu, mọi ngành ngày nay đều có liên quan công nghệ thông tin, như kinh tế hay ngay cả khách sạn còn có ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành khách sạn…
... Nhưng đừng ngộ nhận ngành nghề
Đó là lưu ý của thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM tại chương trình tư vấn trực tuyến của Báo Thanh Niên.
Thạc sĩ Phương cho biết có một thực tế hiện nay là nhiều bạn trẻ chọn nghề từ việc cái tên nghe "kêu" và "bắt trend". Tuy nhiên, nguyên tắc chọn nghề, chọn trường là phải căn cứ đam mê, năng lực của bản thân, nhu cầu việc làm của thị trường, chứ đừng vì cái tên ngành, tên trường "kêu", theo thạc sĩ Phương.
Cũng theo thạc sĩ Phương, khối ngành công nghệ-công nghệ thông tin có nhu cầu nhân lực cần cao, với môi trường làm việc trong lẫn ngoài nước; hoặc tự do (freelancer) và khởi nghiệp.
Thạc sĩ Phương cho hay công nghệ, kỹ thuật là nền tảng-bộ khung phát triển kinh tế. Các bạn trẻ cần phải nghiêm túc định vị xem mình thích gì, tương lai muốn làm gì, công việc đó ra sao để lựa chọn đúng đắn nhất và "đừng ngộ nhận ngành nghề".
"Nhiều bạn học xây dựng thì sợ cực, sợ ra công trường nắng gió. Nhưng trong xây dựng có thể học thiết kế, dự toán, công nghệ thông tin. Nhiều học sinh, sinh viên đến giờ vẫn cứ nghĩ học điện chỉ là leo cột điện, đó là một sự ngộ nhận ngành nghề. Học điện là có thể học lắp đặt, thi công, mạng lưới, dụng cụ, thiết bị… ", thạc sĩ Phương lưu ý.
Bên cạnh đó, theo thạc sĩ Phương, trong khối công nghệ, sinh viên có thể học công nghệ thực phẩm, công nghệ dệt may, còn ngành công nghệ môi trường, công nghệ sinh học được quy hoạch là trọng điểm quốc gia.
"Tuy nhiên, sinh viên không nên 'đâm đầu' học những cái 'hot' mà quên đi bản thân. Nếu các bạn chọn ngành nghề không phù hợp thì tương lai sẽ bị ảnh hưởng. Điều quan trọng là sự nỗ lực của người học. Học xong, bạn phải nghiêm túc với ngành nghề đã chọn thì mới có nhiều cơ hội việc làm", thạc sĩ Phương nhấn mạnh.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, hơn 10 ngành nhóm máy tính và công nghệ thông tin chiếm 13% tổng số thí sinh trúng tuyển năm 2022. Trong khi đó, hơn 20 ngành nhóm công nghệ kỹ thuật chỉ chiếm 9%.
Cũng theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số lượng sinh viên nhập học bậc ĐH các ngành công nghệ thông tin liên tục tăng trong những năm qua. Năm 2019 có 46.173 sinh viên nhập học và tăng lên 56.260 sinh viên năm 2022, đạt 100% chỉ tiêu.
Bình luận (0)