TNO

Đến Huế nhớ ghé đầm Chuồn

15/08/2015 14:29 GMT+7

(iHay) Cách Huế không xa, đầm Chuồn là một địa chỉ du lịch ẩm thực “hot” mà du khách không thể bỏ qua.

(iHay) Đầm Chuồn là một địa chỉ du lịch ẩm thực cực thú vị mà du khách không thể bỏ qua khi ghé thăm Huế mộng mơ.

Ngẩn ngơ ngắm những ngôi mộ Tân An

Bon bon hướng đầm Chuồn thẳng tiến, sau mươi phút, xe chúng tôi ghé vào thăm làng Tân An có vị trí nằm cận kề đầm phá. Cảm nhận đầu tiên là cảnh làng thật yên tĩnh. Bước vào cổng làng, dấu nhấn đặc biệt gây cảm giác mạnh cho du khách là hình ảnh các ngôi mộ được xây dựng chạm trổ rất đẹp, nằm ngay trước những ngôi nhà rất hoành tráng.

Hầu hết nguồn kinh tế mà người dân làng Tân An đều dựa vào chính là khu đầm Chuồn rộng mênh mông trước mặt. Với nguồn tài nguyên ưu đãi từ bao đời nay, có thể nói các đặc sản của đầm Chuồn đã giúp đổi đời và nuôi sống bao con người.

Qua tìm hiểu tôi được biết, ở làng Tân An này, dường như không có khoảng cách giữa thế giới người sống và người chết. Ở đây, khi cha mẹ ông bà mất đi, cư dân của làng đều chôn ngay trước cửa nhà mình, rồi mời các nghệ nhân đến chạm khắc, xây dựng cho mồ mả cha ông mình thật đẹp đẽ và ấm cúng... Họ mang niềm tin mạnh mẽ rằng thế giới sống chỉ là cõi tạm, thế giới chết mới thực sự vĩnh hằng. Đến làng Tân An, tôi mới bần thần khi biết rằng có những ngôi mộ được xây với giá cả tương đương một căn nhà lầu 3 tấm.

Chúng tôi cùng thả bộ ra bến Hàu, hoạt động mua bán hải sản đầm Chuồn tại bến ghe nho nhỏ này xem ra khá nhộn nhịp. Làm quen với vài phụ nữ đang mua bán từng bao hàu tươi rói vừa mới được đem từ đầm về, tôi được biết, hiện nay, chỉ có hàu tại phá Tam Giang vẫn nguyên vẹn chất thiên nhiên trong khi ở khu vực đầm Lập An (Lăng Cô) thì hàu đã được nuôi thả toàn bộ. Chính vì vậy, bến Hàu này cũng là “điểm hẹn” dành các thương lái có kinh nghiệm lâu năm về hải sản tìm đến. 
Đầm Chuồn trời nước mênh mang 2Ảnh: Hương Lan
Lênh đênh đầm Chuồn...
Ghe cập sát bờ, khi tôi đã yên vị, ghe chạy quanh co theo đầm Chuồn, và chúng tôi được thở hít không khí trong lành, đón cơn gió chiều thổi ràn rạt qua mặt...
Ngoài đặc sản như hàu, cá, tôm, cua thì đời sống lênh đênh trên nước của cư dân cũng là một điểm nhấn khó quên với các du khách khi lần đầu đến đây. Nhanh miệng đọc cho tôi một số từ lạ hoắc như nhà chồ, lừ, nò, sáo..., Hào - người dẫn đường cho tôi biết, nhà chồ chính là những cái chòi nho nhỏ nổi trên mặt đầm mà ghe đã đưa chúng tôi đi qua. Nhìn thoáng qua tôi thấy, các nhà chồ của đầm Chuồn đều có trụ đỡ bằng tre, gỗ hay bê tông làm nổi trên mặt nước. Xem ra, các nhà chồ thường nằm cách mặt nước từ 2 - 3 m đổ lại. Nhìn chung ở đầm Chuồn, mực nước khá ổn định và không quá sâu. Đặc biệt hầu như nhà chồ nào cũng cắm một trụ cao, ở đầu đỉnh cột này có buộc một dải lụa đỏ bay phất phơ trong gió. Còn lừ, nò, sáo chính là những vật dụng không thể thiếu trong việc đánh bắt thủy hải sản tại đầm Chuồn. Các vật dụng này đã gắn bó thân thiết với đời sống người dân trên phá Tam Giang từ bao đời nay. Lừ là những ống lưới được đan khá khéo léo, ngư dân chèo thuyền thả lừ chìm sâu trong nước để dẫn dụ cá. Còn nò và sáo thì có nguyên liệu cơ bản là tre, nứa, lồ ồ... Để dụ cá vào nò, sáo, các ngư dân đã cắm tre thành những hàng rào chi chít trên đầm Chuồn, vô tất cả đã tạo thành những ô vuông, lục giác, bát giác chi chít trên đầm. Nếu nhìn từ máy bay xuống, ta sẽ cảm nhận khung cảnh nơi đây hơi là lạ.
Hào nói với tôi, nhà chồ được xem là “đặc sản” của đầm Chuồn. Chả ai biết nhà chồ có từ khi nào và tên này do ai đặt nhưng đến tận nơi xem, tôi thấy những căn nhà này có diện tích rất bé, chỉ từ 5 - 8 m2, nhìn xa giống như những cái tổ chim chơ vơ trên mặt nước. Do luôn phải phòng bị, sợ gió bão ập tới bất ngờ nên cư dân nhà chồ có rất nhiều kinh nghiệm. Vào mùa hè, các hộ dân sẽ ở nhà chồ còn mùa đông thì họ ở trên đò và neo đò nằm men theo con nước. Có lẽ vì thế mà có đôi nơi, cư dân gọi nhà chồ là nhà giàn hay nhà tạm...
Những quán chồ trên đầm Chuồn
Ghe chạy vòng vèo hơn 30 phút thì cặp vào một căn nhà chồ khá to rộng nằm trên đầm. Tôi hơi run chân khi bước lên những bậc thang tre được xếp thành sàn, vách và thang trông khá ọp ẹp, trong khi trên đầu cơn gió chiều cứ lồng lộng, phần phật. Nhưng Hào đã kịp trấn an: “Chị cứ yên tâm! Hãy thưởng thức hải sản của đầm Chuồn cho thật đã nhé!”.
Biết chúng tôi là khách phương xa, Dũng, chủ nhà hàng với gương mặt sạm đen vì nắng gió tận tình chiêu đãi cả nhóm những đặc sản do chính tay anh cùng vợ nấu nướng. Khỏi nói thì ai cũng biết, ra đầm Chuồn mà thưởng thức thủy hải sản thì ngon tuyệt cú mèo vì các nguyên liệu đều tươi roi rói. Đây cũng là những sản vật do gia đình Dũng săn bắt bằng lừ, nò, sáo. Thi thoảng, anh mời các du khách cùng anh chèo ghe đi đổ tôm, cá và đem về nấu nướng. Chiều hôm đó, ngoài những món tôm ram, nghêu hấp sả, sò lụa xào me, chúng tôi còn được thưởng thức đặc sản bánh khoái cá kình và bánh khoái tôm mà khi ăn xong, cả lũ phải lặc lè “vác” bụng xuống thuyền vì quá no.
Trong làn gió chiều hôm, khung cảnh đầm Chuồn đang chuyển dần qua sắc hồng, tím, xám rồi đi vào màn đêm mênh mông. Dưới bầu trời lấm tấm sao sa, không gian đầm Chuồn thật tĩnh lặng mênh mang, gió ve vuốt những kẻ háu ăn bây giờ trở nên buồn ngủ sớm. Chia tay Dũng, cậu chủ nhà hàng nhiệt tâm, chúng tôi lên ghe về bến và quay trở về Huế, tạm biệt đầm Chuồn, làng Chuồn với tâm trạng đầy lưu luyến.

Dương Thủy

>> Phố xưa Nhật Bản
>> Miên man Chile
>> Trải nghiệm du lịch chăn cừu ở New Zealand
>> Ra Nha Trang lặn biển 'săn' ngọc trai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.