Đến làng Cana 'hâm nóng' tình yêu vợ chồng

12/02/2024 17:45 GMT+7

Jerusalem được xem là thánh địa, mảnh đất linh thiêng của nhiều tôn giáo, trong đó có 3 tôn giáo lớn: Kitô giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo.

Với người theo các tôn giáo này, mong ước một lần trong đời đặt chân đến đây là mãn nguyện. Còn với những người Kitô giáo, đặc biệt là các đôi vợ chồng, khi đến Israel thì luôn tìm đến làng Cana để "hâm nóng" tình yêu đôi lứa.

Mơ ước thành hiện thực

Cuộc hẹn hành hương về Jerusalem của chúng tôi đã lên lịch cách đây 5 năm. Nhưng do dịch giã và tình hình chiến sự tại khu vực Trung Đông nên mãi đến giữa tháng 9.2023, ước mơ của chúng tôi mới thành hiện thực. Nếu chuyến đi này chậm lại 20 ngày nữa thì ước mơ vẫn chỉ là mơ ước (vì từ ngày 7.10 cuộc xung đột Israel - Hamas nổ ra).

Đến làng Cana 'hâm nóng' tình yêu vợ chồng- Ảnh 1.

Vườn treo Haifa, kỳ quan thứ 8 của thế giới, phía xa là cảng Haifa

DUY TÍNH

Chuyến bay dài từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, quá cảnh ở sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), rồi mới đến được sân bay Ben Gurion (thủ đô Tel Aviv, Israel) mất tổng cộng 15 - 16 giờ. Với người Kitô giáo, hành trang mang theo đến Israel là tinh thần đi theo chân chúa Giê-su. Đó là đi lại con đường mà Chúa Giê-su đã đi qua, từ nơi sinh ra, lớn lên, đi rao giảng tin mừng và nơi dừng chân cuối cùng là đồi Thánh giá, tức nơi Chúa bị đóng đinh ở thành Jerusalem. Cùng với đó là thăm viếng di tích khác như mộ vua David, Bức tường Than Khóc, Biển Chết… Những di tích này được sử sách ghi rất nhiều.

Sau khi xuống sân bay, chúng tôi đi dọc theo ven biển Địa Trung Hải xuôi về vùng Galilee. Trên đường đi, chúng tôi được chiêm ngắm cảng biển Haifa tuyệt đẹp và di tích không thể bỏ qua là Vườn treo Haifa, được xem như kỳ quan thứ 8 của thế giới. Và một trong những di tích thánh đối với người Kitô giáo, đó là làng Cana ở vùng Galilee rất đặc biệt trong kinh thánh Phúc âm và tồn tại đến hôm nay.

Làng Cana, theo kinh thánh Phúc âm thuật lại, là nơi Chúa Giê-su làm phép lạ hóa 6 chum nước thành rượu tại một tiệc cưới. Đây là phép lạ đầu tiên của Chúa khi bắt đầu cuộc đời giảng dạy công khai được cho là vào năm 30 sau Công nguyên. Phép lạ nước hóa rượu cũng đặt nền tảng cho bí tích hôn nhân của người Kitô giáo. Nơi này hiện nay là nhà thờ Cana, khiêm tốn về quy mô hơn chúng tôi nghĩ. Xung quanh nhà thờ là các tiệm buôn bán nhỏ, yên tĩnh.

Đến làng Cana 'hâm nóng' tình yêu vợ chồng- Ảnh 2.

Đường dẫn vào nhà thờ làng Cana

DUY TÍNH

Nhà thờ làng Cana cũng là điểm dừng chân di tích thánh đầu tiên của chúng tôi khi đến Israel. 6 đôi vợ chồng người Việt Nam trong đoàn đã sẵn sàng đồ vest, áo dài chỉn chu từ khi xuống sân bay và trang nghiêm bước vào lễ cưới "hâm nóng" tình yêu. Lễ cưới do 3 vị linh mục trong đoàn đồng tế ấm cúng. Trong lễ cưới này, các đôi vợ chồng lặp lại lời thề hẹn của lễ cưới khi đứng trước bàn thờ ngày xưa.

Lễ "hâm nóng" tình yêu của những đôi vợ chồng người Việt Nam chưa kết thúc thì những đôi vợ chồng người Philippines đã đứng ngoài cổng nhà thờ chờ đến lượt. Nhà thờ làng Cana kín mít lịch du khách đặt giờ lễ, do đó nếu đoàn nào tới quá giờ đặt lịch coi như lỡ hẹn.

Chia sẻ với chúng tôi sau thánh lễ "hâm nóng" tình yêu, anh Trần Văn Danh nói: "Cuộc sống vợ chồng đôi khi cũng có lúc này lúc nọ. Hơn lúc nào hết, lời tuyên thệ lại giúp chúng tôi nhớ lại tình yêu thuở ban đầu. Cảm giác rất thích, rất thiêng liêng khi nhiều đôi vợ chồng cùng cộng đoàn đứng ở nhà thờ làng Cana linh thiêng để nhớ lại ngày cưới như vậy".

"Từ việc nhớ lại bí tích hôn phối chúng tôi được lãnh nhận, đặc biệt là đứng tại nhà thờ làng Cana, chúng tôi được ơn thánh hóa đời sống vợ chồng một cách trọn vẹn. Bản thân tôi cảm giác gần gũi với vợ mình hơn. Chắc chắn tôi sẽ quay lại làng Cana", anh Danh khẳng định.

Đến làng Cana 'hâm nóng' tình yêu vợ chồng- Ảnh 3.

Các đôi vợ chồng người Việt Nam được cử hành lại bí tích hôn phối tại nhà thờ làng Cana và được cấp chứng nhận

DUY TÍNH

Tiệc cưới thiếu rượu

Tại Việt Nam, tiệc cưới hiếm khi thiếu bia rượu vì là ngày vui nên chủ tiệc chuẩn bị rất chu đáo. Còn đến Cana, người ta đặt câu hỏi vì sao ngày đó đang có tiệc cưới mà lại thiếu rượu khiến Chúa Giê-su phải làm phép lạ? Câu hỏi khá thú vị này được linh mục Bảo Lộc (Giám học Trung tâm mục vụ, Tổng giáo phận Sài Gòn), người đi cùng đoàn hành hương với chúng tôi, lý giải.

Theo linh mục Bảo Lộc, trong đám cưới đông đúc ở làng Cana 20 thế kỷ trước bỗng hết rượu, vì thế khách buồn và cuộc vui sẽ tàn. Qua sự can thiệp của Đức Mẹ Maria, Chúa Giê-su muốn cuộc vui đó được tiếp tục nên kêu người đổ nước vào 6 chum (1 chum từ 18 - 20 lít) và nước hóa thành rượu.

"Nhưng ý nghĩa thiêng liêng là Chúa muốn chung vui với con người nên đến dự. Và Chúa muốn làm cho niềm vui đó kéo dài, bởi niềm vui của con người thì chóng tàn và cần tiếp thêm sức của Chúa mới kéo dài được", linh mục Bảo Lộc phân tích ý nghĩa của việc hóa nước thành rượu.

Nhưng vì sao hết rượu? Linh mục Bảo Lộc nói thêm về phong tục đám cưới người Do Thái xưa để lý giải. Theo ông, những đôi vợ chồng mới cưới sẽ không đi tuần trăng mật như ở các nước mà nghỉ làm để ở nhà và mời bạn bè, người thân từ những vùng khác đến chung vui một tuần. Do đó, khách có thể đi nhiều ngày mới đến được tiệc, có thể là đến lúc đêm hôm và có thể đến một lúc rất nhiều. Họ ở lại nhà cô dâu chú rể, ăn uống thoải mái, vui vẻ với nhau, bữa tối là thâu đêm. Việc khách đến bất ngờ, đông thì việc thiếu rượu là có thể xảy ra.

Cá thánh Phê rô

Một trong những điểm chúng tôi đến là khu Biển hồ Galilee (còn gọi là Kinneret, hồ Gennesaret, hoặc hồ Tiberias), nơi Chúa Giê-su làm nhiều phép lạ. Bữa trưa của chúng tôi là bánh nướng, rau củ quả và các nước chấm làm từ rau củ, món nào cũng chua chua.

Háo hức, chờ đợi của chúng tôi là được ăn món cá mà menu có tên là cá thánh Phê-rô. Đây là loài cá mà 20 thế kỷ trước các môn đệ chài lưới bắt được và nướng ăn cùng Chúa Giê-su.

Mỗi thực khách được ăn 1 con cá chiên to hơn bàn tay người lớn. Theo tra cứu thì đây là loài cá rô. Chúng tôi ăn cá với cơm, kèm các nước chấm gia vị của người Israel cũng khá lạ miệng. Tuy nhiên, nhiều người trong đoàn chọn ăn cơm với cá cùng nước mắm mang theo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.