Đến lễ hội Dinh Cô, nhớ tham quan chùa Long Bàn, ghé Tổ đình Thiên Thai

20/03/2024 18:44 GMT+7

Lễ hội Dinh Cô được UBND H.Long Điền tổ chức liên tục nhiều ngày qua. Du khách thập phương về đây dự lễ hội đừng quên đến tham quan chùa Long Bàn, ghé Tổ đình Thiên Thai.

Ông Lâm Văn Hồng, Chủ tịch UBND H.Long Điền (Bà Rịa – Vũng Tàu), cho biết lễ hội Dinh Cô năm 2024 được địa phương tổ chức kéo dài từ 17 - 25.3 với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao. Lễ hội năm nay thu hút đông đảo người dân, du khách thập phương đến tham quan, thắp hương, chiêm bái. Ngoài dự lễ Dinh Cô để cầu an lành, du khách có thể tới tham quan các di tích, danh lam, đền, chùa trên địa bàn H.Long Điền, trong đó không thể thiếu điểm đến là chùa Long Bàn và Tổ đình Thiên Thai.

Đến lễ hội Dinh Cô, nhớ tham quan chùa Long Bàn, ghé Tổ đình Thiên Thai- Ảnh 1.

Lễ hội Dinh Cô đang diễn ra tại TT.Long Hải

NGUYỄN LONG

Thăm chùa Long Bàn gần 180 tuổi

Chùa Long Bàn còn gọi là chùa làng Long Điền (xưa thuộc tổng An Phú Thượng, Q.Long Điền, nay là KP.Long Phượng, TT.Long Điền). Chùa được xây dựng cách đây gần 180 năm nhưng đến nay vẫn còn nguyên trạng, lưu giữ những nét kiến trúc văn hóa nghệ thuật đặc sắc.

Đến lễ hội Dinh Cô, nhớ tham quan chùa Long Bàn, ghé Tổ đình Thiên Thai- Ảnh 2.

Cổng chùa Long Bàn được tu bổ bằng đá ong

NGUYỄN LONG

Theo UBND H.Long Điền, chùa Long Bàn được xây dựng vào năm Thiệu Trị thứ 5 (năm Ất Tỵ -1845) do 2 vị hòa thượng Hải Chánh và Bảo Thanh làm trụ trì đầu tiên và được dân làng tôn làm tổ sư. Kiến trúc chùa Long Bàn nguy nga, tráng lệ với những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc mang đậm nét truyền thống độc đáo, lưu giữ văn hóa tâm linh, thờ phụng Phật pháp. Theo truyền thuyết, vùng đất Long Điền trước kia có 9 con rồng chầu. Ngôi chùa được xây dựng trên phần cuối cùng của dãy núi Thùy Vân, có nhiều tảng đá tự nhiên phẳng như bàn thạch nên dân làng đặt tên là chùa Long Bàn.

Đến lễ hội Dinh Cô, nhớ tham quan chùa Long Bàn, ghé Tổ đình Thiên Thai- Ảnh 3.

Chùa Long Bàn được nâng cấp để phục vụ người dân, du khách

THANH QUÂN

Ngôi chùa được xây cất theo kiểu chữ "tam", mang phong cách Á Đông, gồm 3 lớp nhà song song là tòa giảng đường, tòa chánh điện, nhà tổ. Khuôn viên chùa bằng phẳng, rộng hơn 3.000 m2. Trước tòa chánh điện của chùa có ngôi nhà sàn bằng gỗ, trong đặt tượng "Tiêu Diêu đạo sĩ". Mái chùa được lợp ngói âm dương, đầu ngói có gờ viền bằng gốm men xanh.

Đến nay, chùa Long Bàn vẫn lưu giữ được nhiều hiện vật lâu đời quan trọng, là các pho tượng Phật, Ngọc Hoàng thượng đế, Quan Thánh Đế, 18 vị La Hán, Long Thần, Hộ Pháp… bằng gỗ mít; 8 khuôn in kinh khắc chữ Hán trên gỗ; các quả chuông, trong đó có đại hồng chung bằng đồng đường kính 0,4 m, cao 1,2 m, niên đại hơn 150 năm.

Đến lễ hội Dinh Cô, nhớ tham quan chùa Long Bàn, ghé Tổ đình Thiên Thai- Ảnh 4.

Chùa Long Bàn nhìn từ trên cao

THANH QUÂN

Chùa Long Bàn, với vẻ đẹp độc đáo về kiến trúc cổ, điêu khắc nghệ thuật mang giá trị văn hóa, tâm linh lâu đời đã trở thành điểm đến tín ngưỡng của người dân địa phương và du khách. Năm 1991, chùa Long Bàn được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích lịch sử - văn hóa - danh lam thắng cảnh cấp quốc gia

Tổ đình Thiên Thai

Tồ Đinh Thiên Thai Thai nằm ở phía bắc chân núi Dinh Cố (xã Tam An), được khởi công xây dựng năm 1925 bởi Hòa Thượng Thích Huệ Đăng (1873 - 1953), là tổ thứ 41 thuộc phái Lâm Tế, sau một thời gian tu hành và truyền đạo Phật ở miền Trung, miền Tây và cuối cùng dừng lại ở miền Đông Nam bộ, lấy tên "Tổ đình Thiên Thai" thuộc chi phái "Thiên Thai Thiền Giáo Tông" của chốn tổ để đặt tên cho ngôi chùa.

Đến lễ hội Dinh Cô, nhớ tham quan chùa Long Bàn, ghé Tổ đình Thiên Thai- Ảnh 5.

Phía sau Tổ đình Thiên Thai là Dinh Cố

THANH QUÂN

Chùa Thiên Thai gồm tòa chánh điện, giảng đường, nhà khách và nhà bếp. Theo ý tưởng của chùa Thiên Thai, với bàn thờ tạo thành chữ "ngũ" do 4 cột đá và 1 cột đá ở giữa hợp thành có ý nghĩa tượng trưng cho "ngũ châu" hay là "ngũ hành", 5 yếu tố cơ bản tạo nên vũ trụ và con người: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.

Cửa Chùa Thiên Thai được bố trí với 5 cửa hình vòm cuốn cánh cung. Gồm 4 cửa phía ngoài, 4 cửa phía trong trổ ra 4 điện thờ, có ý nghĩa tượng trưng cho bát quái, gồm 8 yếu tố (càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài).

Đến lễ hội Dinh Cô, nhớ tham quan chùa Long Bàn, ghé Tổ đình Thiên Thai- Ảnh 6.

Cổng vào Tổ đình Thiên Thai

NGUYỄN LONG

Phía sau Tổ đình Thiên Thai có con đường tam cấp uốn lượn quanh núi Dinh Cố lên cao 82 m. Trên đỉnh núi Dinh Cố có một ngôi miếu được xây dựng công phu trên những khối đá lớn, tương truyền đó là miếu thờ một hiền nữ...

Đến lễ hội Dinh Cô, nhớ tham quan chùa Long Bàn, ghé Tổ đình Thiên Thai- Ảnh 7.

Tổ đình Thiên Thai nhìn từ trên cao, nằm dưới chân núi Dinh Cố

THANH QUÂN

Núi Dinh Cố không cao lớn, hình dáng như một chiếc nón khổng lồ úp trên cánh đồng Tam An. Lên Dinh Cố, du khách vào miếu thắp hương. Theo người dân, khi Bà Cố qua đời, ngọn núi này trở nên linh thiêng, người dân, du khách thập phương đến đây dâng hương, cầu mong cuộc sống gặp nhiều may mắn, an lành, hạnh phúc.

Tổ đình Thiên Thai được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định công nhận di tích lịch sử văn hóa - kiến trúc nghệ thuật năm 2008.

Trên địa bàn H.Long Điền, ngoài Dinh Cô, Mộ Cô, chùa Long Bàn, Tổ đình Thiên Thai còn có hàng loạt di tích lịch sử văn hóa khác khác như: Đình thần Long Điền, chùa Long Hòa, Đình thần Hắc Long - mộ Châu Văn Tiếp, Bàu Thành, thắng cảnh núi Chân Tiên...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.