Đến lúc thanh long phải chuyển hướng?

29/08/2023 06:28 GMT+7

Trước đây, thanh long là mặt hàng xuất khẩu trụ cột chính của ngành rau quả nhưng kim ngạch đang giảm sâu và bị đánh giá khó có cơ hội tăng trưởng mạnh trở lại.

Tại thủ phủ thanh long Bình Thuận, giá thanh long ruột trắng loại tốt hiện dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, ruột đỏ khoảng 15.000 - 17.000 đồng/kg. Theo nhiều nhà vườn, đây vẫn là mức giá bảo đảm lợi nhuận, nhưng những năm gần đây thị trường rất bấp bênh, lúc bán được lúc không. Hiện tại Bình Thuận vẫn là địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất nước với khoảng 27.000 ha.

Đến lúc thanh long phải chuyển hướng ?  - Ảnh 1.

Thanh long, mặt hàng xuất khẩu tỉ USD, đang mất dần lợi thế

CÔNG HÂN

Ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu ở Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), là người từng có vườn thanh long lớn nhất nước, nhưng gần đây chuyển sang trồng sầu riêng trên diện tích 400 ha và sắp tới sẽ mở rộng thêm và có thể đạt tổng diện tích 600 - 700 ha. "Cách đây 5 - 6 năm tôi đã tính chuyện chuyển hướng cây thanh long nhưng lúc đó có giống mới là thanh long ruột tím hồng, nên ráng "đu" theo vì không nỡ bỏ loại cây trồng đã gắn bó cả đời. Đến 2 - 3 năm gần đây thấy thanh long ngày càng khó nên phải tính đường khác", ông Hiệp cho biết.

Ông phân tích mặt hàng này nhiều lần "sụp" giá ở thị trường Trung Quốc. Mỗi lần như vậy, lượng người tiêu thụ thanh long tăng lên. Vì thế, thanh long cứ rớt giá, nhưng diện tích trồng không ngừng tăng, mở rộng sang các tỉnh miền Tây. Đến giai đoạn hiện nay, giá thanh long đã chạm đáy mà nguyên nhân chính là Trung Quốc đang trồng quá nhiều thanh long. "Thanh long là loại cây cho trái quanh năm, nhưng hiện chỉ còn tiêu thụ được theo mùa mà Trung Quốc không có. Nên tôi phải tìm hướng đi mới. Ở góc độ ngành hàng rau quả, tôi nghĩ cũng cần nhìn nhận lại thực tế hiện nay của mặt hàng thanh long và xác định chiến lược, giải pháp lâu dài", ông Hiệp nhận định.

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (VINAFRUIT) Đặng Phúc Nguyên cho biết hiện tại diện tích trồng thanh long của Trung Quốc lên đến 65.000 - 67.000 ha, sản lượng khoảng 1,6 triệu tấn, lớn hơn cả VN (1,3 - 1,4 triệu tấn). Chất lượng thanh long của Trung Quốc không bằng VN, nhưng thời gian dịch Covid-19 vừa qua hàng mình không qua được, người dân Trung Quốc cũng quen dần với hương vị hàng nội địa. "Trong 1 - 2 năm tới thanh long sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nên cần nhìn nhận và chuẩn bị tâm lý từ bây giờ", ông Nguyên dự báo.

Đến lúc thanh long phải chuyển hướng ?  - Ảnh 2.

Dẫn chứng trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng thanh long mới đạt 340 triệu USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước, ông Nguyên phân tích 6 tháng đầu năm nay rơi vào lúc thị trường Trung Quốc không có thanh long, nên "ăn" hàng của VN mạnh nhưng kim ngạch vẫn giảm hơn 9%. Hiện nay, Trung Quốc đã có hàng, xuất khẩu thanh long 6 tháng cuối năm khả năng giảm mạnh hơn. Vì thế, lạc quan nhất thì là cả năm 2023 xuất khẩu mặt hàng này chỉ đạt 600 triệu USD. Những năm tiếp theo có thể tiếp tục giảm về dưới mức 500 và 400 triệu USD.

Ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Chi nhánh phía nam của Hội Làm vườn VN, cũng đồng tình rằng dù thanh long vẫn còn thu về vài trăm triệu USD mỗi năm, nhưng nhìn vào cơ cấu sản xuất và thị trường có thể thấy về lâu dài cây thanh long cần phải tính đường chuyển hướng. Nên nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng và thị trường để chuyển đổi cơ cấu cây trồng dần cho phù hợp. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.