Sụt lún ngày càng nghiêm trọng
Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa có báo cáo kết quả khảo sát liên quan đến tình trạng sụt lún và các giải pháp ứng phó với sụt lún tại TP.HCM. Theo đó, Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Nam (DWRPIS) thuộc Trung tâm quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia đã tiến hành khảo sát, quan trắc liên tục bằng thủy chuẩn tại 19 điểm tham chiếu quốc gia có vị trí rải rác khắp TP.HCM. Trong đó, 10 quận có mức độ sụt lún đáng kể, gồm các quận: 2 (nay là TP.Thủ Đức), 7, 8, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Bình Tân, và TP.Thủ Đức. Riêng Q.Tân Bình và Q.12 được ghi nhận có mức sụt lún nền lớn nhất.
Trung bình mỗi năm TP.HCM sụt lún 2 cm. Lũy kế từ 1990 đến nay, TP đã bị sụt lún khoảng 1 m. TP.HCM cần có nghiên cứu bài bản và tính đến chuyện quy hoạch sống chung với nước |
Độc Lập |
Kết quả chung chỉ ra rằng tình trạng sụt lún nền đất ở TP.HCM diễn ra liên tục từ năm 1990 đến nay, với độ lún tích lũy ước tính khoảng 100 cm. Tốc độ lún hiện nay khoảng 2 - 5 cm/năm. Kết quả nghiên cứu của DWRPIS trong hơn 20 năm từ 1999 - 2020 cho thấy giá trị sụt lún bình quân năm cao nhất ở mức khoảng 6 cm/năm. Tại điểm có độ lún lớn nhất, tốc độ lún có thể tương tự như ở Jakarta (khu Pluit, Indonesia). Thế nhưng hiện nay, những khu vực tập trung như các công trình thương mại, tốc độ lún đã lên tới khoảng 7 - 8 cm/năm. Tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng 2 lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Do đó, JICA đánh giá sụt lún được coi là vấn đề ngày càng nghiêm trọng, cần phải xem xét các giải pháp ứng phó ngay để kiểm soát tình trạng sụt lún nền tại TP.HCM.
Theo JICA, trong tương lai, TP cần đánh giá rủi ro sụt lún nền và nghiên cứu các giải pháp chống ngập, thoát nước có tính đến sụt lún nền. Tất cả phải được phản ánh trong quy hoạch phòng chống thiên tai.
Nếu so với kết quả đo đạc của Bộ TN-MT tại 347 mốc đo từ năm 2005 - 2017 ở TP.HCM, tốc độ lún của TP đã tăng từ 1,99 cm/năm lên 2 cm/năm. Còn nếu chiếu theo nghiên cứu của Tập đoàn CLS (Pháp) thực hiện từ năm 2015 - 2017, việc lún bề mặt đất trên địa bàn TP đã tăng gần gấp đôi tại một số khu vực (CLS tính toán tốc độ lún trung bình của TP.HCM là 1,11 cm/năm).
Đây không phải lần đầu tiên người dân TP lo lắng vì những số liệu liên quan đến sụt lún. Năm 2020, báo cáo của Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey (Mỹ) cho biết đô thị lớn nhất của VN sẽ phải đối mặt với nguy cơ thảm họa lũ lụt tăng gấp 5 - 10 lần vào năm 2050. Thậm chí, công ty này còn gợi ý TP thích ứng, tránh những rủi ro chìm dưới mực nước biển bằng cách lên kế hoạch di dời nhà cửa và tài sản cơ sở hạ tầng khỏi các khu vực dễ bị lũ lụt. Trước đó, nghiên cứu do Tổ chức khoa học Climate Central thực hiện và công bố trên tạp chí Nature cũng cảnh báo phần lớn diện tích TP.HCM có thể sẽ chìm trong nước vào năm 2050 do tác động của triều cường và nước biển dâng.
Sụt lún khiến tình trạng ngập úng ngày càng trầm trọng tại TP.HCM |
Nhật Thịnh |
Nước hút lên, đất nền lún xuống
Báo cáo của JICA chỉ ra rằng có 4 nguyên nhân gây sụt lún nền ở TP.HCM, bao gồm: Độ cố kết tự nhiên do nền đất yếu; tác động của tải trọng công trình xây dựng; khai thác nước ngầm quá mức; và không đủ lượng phù sa từ thượng nguồn. Trong số các nguyên nhân này, “việc giảm mực nước ngầm do khai thác nước ngầm” và “cố kết tự nhiên bao gồm tác động của tải trọng công trình xây dựng” được coi là nguyên nhân chính gây sụt lún nền đất.
TP.HCM hiện có 342.657 giếng nước ngầm (bao gồm cả giếng chưa đăng ký). Tính theo số lượng, các giếng nước ngầm hầu hết nằm ở các khu vực đô thị có tình trạng sụt lún nghiêm trọng, là các quận 6, 8, 11, 12, Gò Vấp, Tân Bình và Bình Tân. Mặc dù từ cuối năm 2018, Sở TN-MT TP đã xây dựng lộ trình đến cuối năm 2019 khai thác nước ngầm còn 310.000 m3… và đến năm 2025 chỉ còn 100.000 m3/ngày đêm; nhưng hiện tại lượng nước ngầm khai thác bình quân hằng ngày để sử dụng cho công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt, và các mục đích sử dụng khác là khoảng 600.000 m3/ngày bao gồm cả lượng nước khai thác từ các giếng chưa đăng ký. Khoảng 77% lượng nước này được khai thác để sử dụng cho sinh hoạt, bao gồm các cơ sở thương mại. Mục đích của khai thác nước ngầm phần lớn là phục vụ sinh hoạt, nơi giếng khoan trong nhà dân có độ sâu dưới 50 m. Mặc dù nguồn cấp nước sạch cho người dân đạt gần 100%, người dân vẫn sử dụng nước ngầm.
TP.HCM cần có nghiên cứu bài bản, cho ra những con số chính thức và tính đến chuyện quy hoạch sống chung với nước. Trong đó, chỉ rõ những vùng chấp nhận chịu ngập để người dân có kế hoạch thích nghi, thích ứng.
TS Dương Văn Ni, Trường ĐH Cần Thơ
Việc khai thác nước ngầm quá mức được nhận định là một trong những nguyên nhân trực tiếp góp phần gây hiện tượng sụt lún, “biến dạng” mặt đất, khiến tình trạng ngập úng ngày càng trầm trọng và khó khắc phục hơn. Tình trạng này đã được các nhà khoa học chỉ ra từ cách đây hơn 10 năm, thời điểm mà lượng nước ngầm khai thác ở TP.HCM lên đến khoảng 1 triệu m3 mỗi ngày. Trong nghiên cứu của mình, TS Tạ Thị Thoảng, Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, chỉ ra rằng nếu duy trì khai thác nước ngầm như giai đoạn 1999 - 2009 thì lún do khai thác nước ngầm cộng dồn lớn nhất cho các năm 2020, 2040 và 2100 ở khu vực trung tâm TP.HCM sẽ lần lượt là con số “khủng khiếp”: 63,8 cm, 85,2 cm và 97,6 cm.
JICA đánh giá nước ngầm chủ yếu được sử dụng cho mục đích công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt. Tuy nhiên, hầu hết các giếng đều không được đăng ký. Điều này là do việc cung cấp nước phải trả phí, trong khi giếng chưa đăng ký lại miễn phí. Do đó, cần tiến hành khảo sát để xác nhận lượng nước khai thác thực tế cho mục đích sinh hoạt và cần xem xét việc cung cấp nước từ các nguồn thay thế để ngăn chặn khai thác nước ngầm.
Cống Mương Chuối (H.Nhà Bè), thuộc dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng tại TP.HCM |
Dạ Thảo |
Không thể chỉ trông chờ vào kế sách chống ngập
Chưa biết 30 - 50 năm nữa miền nam VN có “chìm” thật hay không, nhưng thực tế tình trạng ngập lụt tại TP.HCM đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Chỉ trong giai đoạn 5 năm vừa qua, TP.HCM đã phải chi hơn 1 tỉ USD cho các dự án, công trình chống ngập nhưng tình trạng cứ mưa là ngập vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Đến nay, nước không chỉ cuốn trôi hàng tỉ USD mà còn ngày càng xâm lấn mạnh, lan tới cả những vùng ít có khả năng ngập như khu vực trung tâm TP.
UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi các sở, ngành liên quan, giao Sở TN-MT chủ trì, cùng với Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với các chuyên gia của JICA xây dựng văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường khả năng chống sụt lún nền tại TP.HCM. TP yêu cầu hoàn thành văn kiện này trong quý 4/2022.
Đề án chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM giai đoạn 2020 - 2025 và Kế hoạch chống ngập, xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2030 của TP.HCM ban hành năm 2021 đã phải chấp nhận khả năng kiểm soát ngập 100% là điều không thể thực hiện được. Vì thế, mục tiêu chỉ còn cố gắng giữ vững kết quả đạt được, không để tái ngập tại các vị trí đã được giải quyết trong phạm vi 550 km2 thuộc giai đoạn 2016 - 2020; tập trung giải quyết ngập bền vững cho vùng trung tâm rộng 106,41 km2 và cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại của TP. Đáng chú ý, mặc dù đề ra nhiệm vụ cần phải tiếp tục nghiên cứu triển khai một chiến lược quản lý ngập lụt một cách bền vững, thân thiện môi trường và ít tốn kém nhất, song các giải pháp công trình vẫn là định hướng trọng tâm. Cụ thể, TP sẽ dồn lực xây dựng 7 hồ điều tiết, thực hiện 70 dự án cải thiện hệ thống thoát nước, triển khai dứt điểm các dự án nạo vét kênh rạch và đầu tư các nhà máy xử lý nước thải...
TS Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng tất cả biện pháp công trình đều không còn hiệu quả và vô cùng tốn kém. Đồng tình với những khuyến cáo của JICA, ông Ni nhấn mạnh những dự báo về tình trạng sụt lún, nước biển dâng sẽ nhấn chìm TP.HCM là lời cảnh báo mà các nhà lãnh đạo cần đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng các phương án quy hoạch. Trong đó, phải lưu ý rằng con người không thể giữ mãi niềm tin dựa vào các thành tựu kỹ thuật để chế ngự được thiên nhiên. Ngay cả với cường quốc như Mỹ, sau khi siêu bão Katrina phá hủy hàng loạt hệ thống đê đập ngăn lũ tại New Orleans và khu vực ngoại ô thành phố vào năm 2005, khiến hơn 1.800 người thiệt mạng, họ đã phải chấp nhận “chịu thua ông trời”. Chính phủ Mỹ sau đó đã phải chính thức tuyên bố đây là “khu vực ngập”, không cấm nhưng sẽ không bán bảo hiểm ngập cho bất cứ người dân nào mua nhà và sinh sống tại đây. “Nói vậy để thấy đã đến lúc TP.HCM cần có nghiên cứu bài bản, cho ra những con số chính thức và tính đến chuyện quy hoạch sống chung với nước. Trong đó, chỉ rõ những vùng chấp nhận chịu ngập để người dân có kế hoạch thích nghi, thích ứng. Những khu vực trọng yếu có thể giữ sẽ được tập trung kinh phí, bao đê quyết liệt, bảo đảm 100% không ngập. Cần thiết xây dựng kịch bản cho những thảm họa đã được cảnh báo”, TS Dương Văn Ni đề xuất.
Bình luận (0)