Đến lúc xem Covid-19 là bệnh chuyên khoa thông thường?: Thận trọng hơn khi 'chuyển hạng'

14/02/2022 06:09 GMT+7

Cần thận trọng hơn trong nhìn nhận về đặc tính của Covid-19 cũng như “chuyển hạng” cho bệnh dịch này. Đó là ý kiến của PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng VN.

PGS-TS Trần Đắc Phu nhận định: “Ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa nên đưa Covid-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A và coi nó như một bệnh truyền nhiễm thông thường”.

Khi Covid-19 là bệnh chuyên khoa truyền nhiễm thông thường nhóm B, việc cách ly tế chỉ là cá nhân như với một số bệnh

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Theo ông Phu, để có thể đưa một bệnh truyền nhiễm ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A, cần căn cứ vào nhiều yếu tố như: khả năng miễn dịch cộng đồng (gồm miễn dịch tự nhiên và độ bao phủ vắc xin), tỷ lệ ca tử vong, khả năng đáp ứng y tế và đặc biệt vấn đề tác động nghiêm trọng và nguy hiểm tới sức khỏe và đời sống xã hội… Bởi trên thực tế hiện nay, nếu đưa Covid-19 trở về bệnh truyền nhiễm thông thường, dịch bệnh vẫn sẽ tiếp tục lây nhiễm, vẫn có ca chuyển biến nặng, ca tử vong và gây áp lực lên hệ thống y tế. Đặc biệt, hiệu quả phòng bệnh của vắc xin Covid-19 còn ở mức nhất định, chưa bao phủ đồng đều trên thế giới, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu… Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa công bố Covid-19 là bệnh đặc hữu.

“Ở thời điểm hiện tại, Covid-19 vẫn có nguy cơ gây quá tải hệ thống y tế. Do đó, theo tôi, vẫn chưa thể xem đây là bệnh truyền nhiễm thông thường”, PGS Phu nêu quan điểm và cho hay, việc các quốc gia lựa chọn biện pháp ứng phó với Covid-19 không chỉ phụ thuộc vào vấn đề y tế mà còn có nhiều yếu tố khác như kinh tế, an sinh, xã hội.

“Cần đánh giá giữa lợi ích và rủi ro; y tế chỉ là một phần trong đó. Một số quốc gia có thể vì áp lực kinh tế nên tiến hành “nới lỏng” và mở cửa. Tuy nhiên, các quốc gia khác đặt vấn đề phòng chống dịch bệnh lên cao hơn thì vẫn áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ”, PGS Phu phân tích.

Ông Phu cũng đánh giá VN đã có sự thay đổi lớn từ chiến lược zero Covid sang thích ứng Covid. Do đó, có thể thấy trong thời gian vừa qua, chúng ta đang trong lộ trình “nới lỏng” dần các biện pháp chống dịch để phù hợp hơn với tình hình mới, góp phần tạo điều kiện phục hồi kinh tế, đảm bảo cho yêu cầu chống dịch và ổn định kinh tế.

Covid-19 sáng 14.2: Cả nước 2.510.860 ca nhiễm | Vận động tiêm vắc xin cho cả người từ chối tiêm

Khi nào có thể xem Covid-19 là bệnh truyền nhiễm thông thường? Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, phải đến khi Covid-19 không còn nguy cơ gây quá tải hệ thống y tế; tỷ lệ tử vong do Covid-19 được khống chế việc tác động ở ngưỡng tương tự các bệnh truyền nhiễm khác, thì có thể cân nhắc xem như bệnh truyền nhiễm thông thường. Lúc này, chúng ta có thể thay đổi các giải pháp trong chiến lược “ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch và điều trị hiệu quả”.

“Ví dụ như lúc đó, có thể không tiến hành các biện pháp xét nghiệm giám sát tất cả các trường hợp nghi nhiễm như hiện nay mà chỉ giám sát trọng điểm hoặc xét nghiệm ca bệnh phục vụ cho điều trị, không thực hiện cách ly nghiêm ngặt, đặc biệt áp dụng cách phong tỏa như hiện nay…”, ông Phu nói.

PGS-TS Trần Đắc Phu cho biết thêm, theo luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm: bệnh bại liệt; bệnh cúm A/H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola, Lassa hoặc Marburg; bệnh sốt tây sông Nile; bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh. Hiện tại, Covid-19 vẫn đang trong danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Châu Âu dần mở cửa

Các nước châu Âu đang lần lượt dỡ bỏ biện pháp chống Covid-19 và quay về cuộc sống bình thường nhờ độ phủ vắc xin cao và sự xuất hiện của biến thể Omicron có độc lực thấp hơn những biến thể khác. Theo Reuters, ngày 1.2 Đan Mạch trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên chấm dứt toàn bộ biện pháp hạn chế, bao gồm bắt buộc đeo khẩu trang, dù số ca nhiễm mới tại đây đang tăng lên.

Covid-19 cũng không còn được xem là bệnh nghiêm trọng ở Đan Mạch. Đất nước này đã tiêm 2 liều vắc xin cho 80% người từ 5 tuổi trở lên và hơn 60% dân số Đan Mạch đã được tiêm liều thứ ba. Hành khách đã tiêm vắc xin hoặc khỏi bệnh sau khi mắc Covid-19 có thể nhập cảnh bình thường ở Đan Mạch.

Sau Đan Mạch, nước láng giềng Thụy Điển từ ngày 9.2 cũng bỏ hầu hết các biện pháp chống dịch và gần như ngừng xét nghiệm. Thụy Điển cũng sẽ xem Covid-19 là bệnh không gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng nhờ đã tiêm ít nhất 2 liều cho gần 84% người từ 12 tuổi trở lên. 53% người từ 18 tuổi trở lên ở Thụy Điển cũng đã được tiêm liều thứ ba. Hiện Thụy Điển vẫn chưa cho phép hành khách từ nước ngoài nhập cảnh, trừ trường hợp khẩn cấp, cho đến ngày 31.3.

Riêng người từ các nước nằm trong Khối Schengen có thể vào Thụy Điển mà không cần trình bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến việc tiêm vắc xin hay đã khỏi bệnh. Ngày 12.2, Na Uy trở thành đất nước tiếp theo dỡ bỏ phần lớn biện pháp hạn chế. Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere đã tuyên bố đại dịch Covid-19 không còn là mối đe dọa đối với đất nước. Theo đó, người dân Na Uy không cần phải đeo khẩu trang hay giãn cách xã hội. Bệnh nhân Covid-19 cũng không còn phải cách ly mà được khuyến nghị ở nhà trong 4 ngày.

Hiện 91,1% người từ 18 tuổi trở lên ở Na Uy đã tiêm 2 mũi vắc xin. Từ ngày 12.2, hành khách từ mọi nước có thể đến Na Uy mà không cần phải cách ly hay chứng minh mình đã tiêm vắc xin, xét nghiệm hoặc khỏi bệnh. Ngoài ra, Pháp, Anh, Bỉ, Hà Lan cùng nhiều nước khác đang chuẩn bị hoặc đã có kế hoạch mở cửa trở lại trong những tuần tới.

Như Trần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.