Đến lượt vàng nhẫn tăng giá kỷ lục

22/11/2023 05:33 GMT+7

Giá vàng nhẫn tăng lên mức kỷ lục và ngày càng trở nên "đắt đỏ", cao hơn kim loại quý trên thị trường quốc tế lên hơn 2 triệu đồng/lượng.

Vàng nhẫn lên gần 61 triệu đồng/lượng

Trước đây, vàng nhẫn được "tín nhiệm" vì bám sát giá thế giới, không đắt đỏ như vàng miếng SJC, luôn cao hơn vàng thế giới cả chục triệu đồng/lượng.

Thế nhưng, mấy ngày gần đây, vàng nhẫn đã không còn "an phận" mà liên tục tăng mạnh. Giá vàng nhẫn ngày 21.11 tăng 250.000 đồng mỗi lượng, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào lên 59,4 triệu đồng, bán ra 60,4 - 60,5 triệu đồng; Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào với giá 59,98 triệu đồng, bán ra 60,98 triệu đồng; Tập đoàn Doji mua vào với giá 59,65 triệu đồng, bán ra 60,5 triệu đồng… Đây là mức giá cao nhất của vàng nhẫn từ trước đến nay. So với đầu năm, vàng nhẫn đã tăng 6,5 triệu đồng/lượng, tương ứng mức lên giá 12%.

Đến lượt vàng nhẫn tăng giá kỷ lục - Ảnh 1.

Giá vàng nhẫn tăng cao

Thanh Xuân

Tốc độ tăng giá vàng nhẫn khá nhanh dẫn đến mức đắt đỏ hơn kim loại quý quốc tế lên hơn 2 triệu đồng/lượng, thay vì chỉ 800.000 đồng/lượng như hồi đầu năm. Vàng thế giới chiều ngày 21.11 ở mức 1.986 USD/ounce, tăng 160 USD/ounce so với đầu năm, mức tăng tương ứng 8,8%.

Tính đến thời điểm hiện tại, vàng nhẫn có mức tăng nhanh hơn so với vàng miếng SJC. Hiện nay, giá vàng miếng SJC chỉ tăng 4,2 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng 6,2%. Ngày 21.11, các đơn vị kinh doanh tăng giá vàng miếng SJC thêm 250.000 đồng mỗi lượng, Công ty SJC mua vào 70,5 triệu đồng, bán ra 71,2 triệu đồng; Eximbank mua vào 70,5 triệu đồng, bán ra 71 triệu đồng… Vàng miếng SJC có giá cao hơn vàng nhẫn lên đến 10,7 triệu đồng/lượng. Gần đây, nhân viên bán hàng Công ty SJC giới thiệu tới khách hàng loại vàng nhẫn 5 chỉ hay 10 chỉ không tính thêm phí gia công nên có giá thấp hơn vàng miếng, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Lý giải giá vàng nhẫn tăng cao những ngày gần đây, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng bạc Đối tác mới, đánh giá nhu cầu vàng nhẫn tăng cộng thêm nguồn nguyên liệu trên thị trường khan hiếm nên giá neo cao so với trước. So với vàng miếng, vàng nhẫn thời gian qua có những biến động tương đồng và bám sát giá thế giới hơn. Trong khi giá vàng quốc tế khá vững chắc nên cũng khiến giá vàng nhẫn lên cao.

Thêm vào đó, cùng chất lượng vàng 4 số 9 nhưng giá vàng nhẫn có mức thấp hơn vàng miếng đến 10 triệu đồng/lượng, nên người tiêu dùng lựa chọn vàng nhẫn. Trước đây, thanh khoản thị trường vàng miếng cao nên nhiều người mua, nay nhà đầu tư am hiểu hơn về xu hướng, sự tăng giảm của vàng nhẫn theo giá thế giới, cộng thêm chi phí đầu tư thấp hơn vàng miếng nên vàng nhẫn được quan tâm nhiều hơn. Nhu cầu tăng cũng khiến giá tăng. Ngoài loại 1 - 2 chỉ, thị trường còn xuất hiện các loại vàng nhẫn 5 chỉ, 10 chỉ. Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu mua tích trữ, vì thông thường không ai đeo nhẫn 5 hay 10 chỉ vàng, bởi nó khá dày.

Trong khi đó, nguồn vàng nguyên liệu 99,99% sản xuất vàng nhẫn lại ít, khi có nguồn rao bán thì các đơn vị cũng dè chừng vì sợ mua hàng nhập lậu. Chính vì tốc độ tăng giá của vàng nhẫn nhanh nên hiện nay đang có mức đắt đỏ hơn thế giới khoảng 2 triệu đồng/lượng, trước đây vàng nhẫn chỉ cao hơn vàng thế giới khoảng 200.000 - 400.000 đồng/lượng, có thời điểm giá còn thấp hơn cả thế giới dẫn đến hiện tượng một số đơn vị xuất khẩu vàng dưới dạng nữ trang mỹ nghệ.

Thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất

Tại một cuộc họp gần đây, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng VN (VGTA) Đinh Nho Bảng cho biết xu hướng tiêu dùng vàng dịch chuyển từ mục đích tích trữ sang thời trang, làm đẹp. Thêm vào đó, tốc độ phát triển thị trường vàng trang sức tại VN đạt từ 7 - 11%, đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này. Mỗi năm, các DN ước tính phải mua khoảng 20 tấn vàng nguyên liệu nhưng việc này rất khó khăn.

Nghị định 24/2012 Quản lý vàng quy định xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu thì Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các DN đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Quy định nhập khẩu vàng nguyên liệu phụ thuộc vào yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ từng thời kỳ và đây là mục tiêu lớn xuyên suốt nên việc nhập khẩu vàng là hạn chế. Để DN vàng nữ trang phát triển, ông Đinh Nho Bảng kiến nghị cho DN cần được nhập khẩu vàng nguyên vật liệu để sản xuất vàng trang sức.

Cùng kiến nghị tương tự, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM, cho biết chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ lưu thông trên thị trường hiện nay đã tuân thủ những quy định, góp phần tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các DN sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, quản lý chất lượng vàng trang sức VN phù hợp tiêu chuẩn chung của thị trường vàng trang sức trong khu vực và thế giới, cần cho phép cho DN được nhập khẩu vàng nguyên liệu chỉ để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. DN nhập khẩu phải đáp ứng về điều kiện DN phải có quy mô sản xuất, nguồn vốn, lực lượng lao động lớn…

Trong khi nguồn nguyên liệu vàng đáp ứng cho các đơn vị kinh doanh vàng chưa có, ông Nguyễn Ngọc Trọng cho rằng để đáp ứng nguồn nguyên liệu sản xuất, các đơn vị phải phân kim nguồn vàng có được. Việc phân kim vàng để ra hàm lượng 99,99% sẽ làm hao hụt rất nhiều nên tính ra phần chênh lệch giá cao, cộng thêm tiền thuế, chi phí thì vào giá khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng/lượng. Với mức chênh lệch này, nguồn nguyên liệu vàng trên thị trường có thể đáp ứng được nhu cầu hiện nay cho các đơn vị sản xuất vàng nhẫn. Do đó, ông Nguyễn Ngọc Trọng kỳ vọng giá vàng nhẫn sẽ duy trì mức giá chênh lệch này thay vì tăng cao trong thời gian tới. 

Thuế cao, khó xuất khẩu vàng

Trước đây, khi thuế xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ hàm lượng dưới 95% ở mức dưới 0%, nhiều DN thực hiện xuất khẩu vàng với số lượng lớn, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động, góp phần tái tạo ngoại tệ và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2019 DN kinh doanh vàng đã xuất khẩu được 2,1 tỉ USD, năm 2020 xuất khẩu được 2,6 tỉ USD.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành (Nghị định 101/2021) mức thuế chung đối với vàng xuất khẩu 1%. Các DN phản ánh với mức thuế suất này, họ không thể thực hiện được xuất khẩu, ngân sách mất đi một nguồn thu không nhỏ và nhiều nghệ nhân mỹ nghệ kim hoàn không có cơ hội để tạo ra các sản phẩm đẹp, tinh xảo, đóng góp chung vào ngành nữ trang trong nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.